
Văn phong nhà giáo
Trầm tĩnh, chân tình trong từng lời nói, cử chỉ, thận trọng trong từng việc làm, Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư luôn để lại ấn tượng khó quên cho những ai được tiếp xúc.
Nhà giáo Cao Văn Tư đã có hơn 50 năm cống hiến tâm sức cho giáo dục miền núi, trong đó hơn 40 năm gắn bó với Lào Cai cho đến bây giờ. Ông yêu Lào Cai như quê hương Phú Thọ của mình, bao buồn vui của cuộc đời chất đầy trong ký ức được ông thể hiện trong các tác phẩm văn học của mình. Khối lượng kiến thức có hệ thống ở khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng với việc đọc nhiều loại sách báo đông tây kim cổ, nên có tầm hiểu biết sâu rộng nhưng chưa bao giờ thấy đủ đã giúp ông nhận diện kỹ các thể loại văn học viết, cộng với vốn sống phong phú đã cho ông nguồn sáng tạo dồi dào. Với 15 đầu sách, trong đó 8 tập truyện thiếu nhi, 4 tập truyện ký và ký, 2 tập truyện ngắn và 1 tập thơ cũng đủ để ông bước vào làng văn một cách đĩnh đạc, tự tin, nhưng ông chưa bao giờ nhận mình là nhà văn cho dù nhiều người vẫn gọi ông là nhà văn. Không khoa trương ồn ã, mà tĩnh tâm trên từng trang viết như con tằm lặng lẽ kéo kén, nhả tơ cho đời. Có thể do nghề nghiệp tạo nên phong cách mà văn phong của Cao Văn Tư từ tốn, chữ nào ra chữ ấy, dòng nào ra dòng ấy, thể loại nào ra thể loại ấy, lời văn cô đọng, không thiếu cũng chẳng thừa, không xáo trộn, không làm mới theo xu hướng cách tân, luôn giữ được cái lề của các dòng văn học truyền thống trong từng thể loại.
z4714105825438_27a7f29aac3f36a6ee0d58365f7188c3.jpg 154.75 KBNhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư (đứng giữa) đoạt giải A cuộc vận động sáng tác VHNT nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023). Ảnh: Huy Thức
Với truyện thiếu nhi, nhà giáo Cao Văn Tư đã dành tình cảm và tâm huyết đặc biệt của mình cho lứa tuổi học trò cũng là điều dễ hiểu, bởi cuộc đời ông gắn liền với tuổi học trò trong từng trang giáo án, từng lời giảng, ngay cả khi ông làm công tác quản lý giáo dục, được ông thể hiện qua từng câu chuyện, từng trang văn. Vốn hiểu biết về tuổi thơ, sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế sự vật, hiện tượng gắn với tâm lý trẻ thơ, lời văn phù hợp với cách nói, lối nghĩ của từng độ tuổi trong mỗi câu chuyện luôn quyến rũ lứa tuổi học trò say sưa đọc đến mê mẩn, nhất là các cháu ở độ tuổi tiểu học. Đó là thành công của ông để mọi người khâm phục và trân trọng. Có thể khẳng định truyện thiếu nhi là thế mạnh của nhà giáo Cao Văn Tư. Trong lời nói đầu tập truyện “Ông sấm gọi lúa phất cờ”, Cao Văn Tư viết: “Tuổi học trò có rất nhiều bạn. Bạn ở nhà, bạn ở trường lớp, bạn gặp gỡ trong những cuộc đi chơi, cỏ cây hoa lá chim muông cũng đều là bạn của tuổi thơ chúng mình. Tình bạn của tuổi thơ bao giờ cũng hồn nhiên, trong sáng… Người viết cuốn sách này là bạn của tuổi thơ và kể chuyện về những người bạn của chúng ta. Ấy là những chú ong bé nhỏ, những chú chim nhảy nhót trong vườn, những muông thú gắn bó với núi rừng, những chú gà nhép, những chú cún thân thuộc… Mỗi bạn một dáng vẻ, mỗi bạn một tính nết, nhưng tất cả đều ngộ nghĩnh, hồn nhiên như chính tuổi thơ của chúng ta”. Nhà giáo truyền cảm hứng của mình vào tâm hồn các bạn nhỏ tuổi: “Các em hãy chắp cánh cho trí tưởng tượng của mình cùng những câu chuyện trong tập sách. Sau mỗi câu chuyện, các em sẽ thêm yêu thiên nhiên, thêm yêu các loài vật và nuôi dưỡng mãi tình yêu thương chân thành trong sáng và hồn nhiên”.
Với truyện ký, Cao Văn Tư có cách dẫn chuyện mộc mạc, sử dụng nhiều lối nói, cách nghĩ của con người ở thời điểm câu chuyện, tác giả muốn người đọc trở về quá khứ và cảm thông hoàn cảnh của các nhân vật trong mỗi câu chuyện. Những sự việc thật, những con người thật được Cao Văn Tư vừa kể bằng lời văn dung dị, chân thực, sống động, mang đậm sắc thái, phong tục, tập quán của từng vùng miền, nhất là các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, có sức lan tỏa, lôi cuốn người đọc muốn tìm hiểu, khám phá. Từ đó, tác giả khéo léo lồng vào đó những nhận xét, đánh giá, cảm nghĩ của mình, làm tăng thêm tính thuyết phục.
Đối với truyện ngắn, nhà giáo Cao Văn Tư sử dụng rất thành công những nguyên mẫu trong đời sống thực tế để đưa vào trang viết và từ đó bước ra với đầy đủ tính cách trong từng bối cảnh cuộc sống mà nhân vật phải vượt qua. Cao Văn Tư viết truyện ngắn như kể chuyện. Nhân vật trong truyện của Cao Văn Tư từ những con người thật trong các sự việc thật được ông nâng lên thành nhân vật, sự việc trong văn học. Có truyện ông vẫn giữ tên thật của nhân vật ngoài đời, có truyện được ông đặt tên cho nhân vật phù hợp với nội dung, địa chỉ của truyện. Địa danh trong nhiều truyện ngắn là những địa danh hiện nay vẫn được sử dụng được ông đưa vào trang viết như một sự khẳng định về đời sống đang diễn ra hàng ngày trong xã hội, cũng có nơi ông chỉnh đổi chệch một chút cho phù hợp với cốt truyện, bối cảnh và tính cách nhân vật nhằm làm tăng thêm tính hấp dẫn của truyện. Tất cả, từ nhân vật đến hoàn cảnh đều có hồn cốt, các nhân vật trong truyện sống động, không bị gượng ép, chi phối bởi các yếu tố khách quan mà là ý thức chủ quan của tác giả. Nhân vật của ông tuy chưa thật mang tính điển hình nhưng mang tính đại diện trong hoàn cảnh đại diện sát với đời sống hàng ngày ở thời điểm diễn ra sự việc. Với lối hành văn súc tích, gần với cách nghĩ, cách nói, cách sống của nhân vật và hoàn cảnh nhân vật, tác giả dẫn bạn đọc vào dòng suy tư về những chuyện xảy ra trong trang sách. Trong nhiều truyện ngắn, tác giả lồng vào nội dung câu chuyện là những làn điệu dân ca xứ núi của đồng bào các dân tộc thiểu số, làm cho truyện tăng thêm sức hấp dẫn. Đến thời điểm này, ở ông là những chuyện chưa kể hết về những người quanh ông và họ cũng là những người quanh ta.
Đọc Cao Văn Tư là đọc một phần trang đời của nhà giáo, vì mỗi tập truyện, tập ký, mỗi bài viết đều gắn với từng bước đi của ông trên đường đời và trên các nẻo đường miền sơn cước và sự chiêm nghiệm cuộc sống của ông. Là người đến hầu khắp các xã, thôn bản, tiếp xúc với thiên nhiên và con người vùng thấp, vùng cao của tỉnh Lào Cai cùng những kỷ niệm vui buồn đã ùa vào tâm hồn nhà giáo nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tạo văn học phong phú, đa dạng. Có thể khẳng định, cuộc sống đã góp một phần không nhỏ để tạo nên một Cao Văn Tư ăm ắp chuyện đời, sự đời trong các tác phẩm văn học của ông. Kiến thức và kinh nghiệm, lối sống và văn phong đã tạo phong cách văn chương riêng của nhà văn Cao Văn Tư. Hiện ông là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Ở ông là sự mẫu mực, khiêm nhường của một nhà giáo, niềm say mê sáng tạo của một nhà văn luôn được mọi người nể trọng.
Quay lạiChân dung văn nghệ sĩ
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...