Văn học Lào Cai - Năm mươi năm một chặng đường

Đoàn Hữu Nam

23:04 - 29/04/2025

Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày thống nhất đất nước, ngày văn học Lào Cai chính thức nhập đàn bay chung với văn học cả nước đến nay đã năm mươi năm. Năm mươi năm so lịch sử thì không dài song với lịch sử văn chương của Lào Cai là cả một chặng đường dài.

Như chúng ta đã biết, Năm 1972, Hội Văn học – Nghệ thuật Lào Cai được thành lập, lúc này, như nhà văn Ma Văn Kháng đã nói, đại ý: những cánh chim văn nghệ sỹ Lào Cai chính thức vào cuộc "bay đàn" lịch sử.

Cuộc "bay đàn" có nền tảng từ cơ sở phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tiềm ẩn trong dân gian, đồng thời tiếp nhận, kết hợp và giao thoa với các nền văn hóa khác này đã dần định hình và phát triển, đóng góp cho nước nhà những văn nghệ sĩ có tên tuổi, như: Ma Văn Kháng, Bùi Nguyên Khiết, Pờ Sảo Mìn, Mã A Lềnh, Trịnh Doãn Thanh, Thèn Sèn, Xuân Nguyên, Huyền Sâm, Cao Văn Tư, Lò Ngân Sủn...

Sau ngày thống nhất đất nước, cuộc "bay đàn" này lại càng được bay cao, bay xa hơn. Đặc biệt là từ cuối thu năm 1991 tỉnh Lào Cai được tái lập, bộ máy hoạt động của Đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai và những người dân Lào Cai sơ tán trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc – tháng 2 năm 1979 háo hức trở về Lào Cai, đến với Lào Cai. Trong không khí háo hức, náo nức của người sẽ làm chủ miền đất hứa hẹn an cư lạc nghiệp, yên tâm phất, phát trong thiên thời địa lợi nhân hòa những người sinh sống trên miền biên viễn Lào Cai, trong đó có các văn nghệ sỹ đã khơi lại truyền thống, dồn tâm dồn sức, dồn lực đưa tỉnh nhà vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, xứng đáng là miền đất địa đầu của Tổ Quốc.

Và bây giờ, sau hơn năm mươi năm nhìn lại những thành quả văn chương ta mới thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ, mới thấy niềm tự hào ta có được trên tay.

Quang cảnh Đại hội phiên chính thức.

Đại hội lần thứ IX - Nhiệm kỳ 2022 -2027 của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai.

Xin điểm lại những gặt hái của các nhà văn, nhà thơ sau những nỗ lực không mệt mỏi với quê hương, đất nước, với tấm lòng của bạn đọc mong mỏi một nền văn học được xác lập trên tinh thần tự lực tự cường.

Đó là Nhà giáo, Nhà văn, Nhà báo Bùi Nguyên Khiết. Vào 10h30 sáng 17/2, ngày đầu tiên khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, ông Bùi Nguyên Khiết đã anh hy sinh ngay tại tuyến đầu đánh giặc, trước khi ra đi ông đã kịp để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn học, báo chí như: Đi bên một vì sao, Dáng núi, Mùa hoa ban, Mưa tuyết…, thể hiện tấm lòng, chân dung một nhà văn, nhà báo xông xáo, am hiểu sâu sắc cuộc sống; Đó là Nhà giáo, Nhà văn Ma Văn Kháng, cuộc đời đã đưa ông đến với Lào Cai, đến với văn chương, ông đã ngẫm về mình: “Không thể kể hết những gì đã trải qua, những ngẫu nhiên nữa, đã góp phần đưa mình vào con đường văn chương. Đường đời là không thể định trước và mọi việc đều không thể rạch ròi, kể cả khi nó đã hoàn thành”. Từ tài năng, sự trải nghiệm và cả sự ngẫu nhiên trời cho đó ông sáng tác ra hàng trăm tác phẩm văn học nổi tiếng, mà phần lớn những tác phẩm đó đã lấy cảm hứng từ cuộc sống và con người Lào Cai. Nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam Ma Văn Kháng đã gặt hái nhiều giải thưởng của Quốc gia, Quốc tế trong đó có Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012; Đó là Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Giáy: Lù Dín Siềng, tác giả của truyện Dưới chân núi Tiên, Công trình nghiên cứu văn hóa dân gian Vươn chang hằm (Hát ban đêm) đồ sộ và cuốn tiểu thuyết Vua phỉ nổi tiếng; Nhà thơ Lò Ngân Sủn, người Chủ tịch Hội Hội Văn học nghệ thuật Lào Cai ngày tái lập trước khi ra đi đã để lại một di sản văn chương đồ sộ, gồm: 26 tập thơ, năm 2017, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật; Nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người đã cho ra mắt 10 tập thơ, ẵm nhiều giải thưởng các loại, từ giải thưởng từ TW đến địa phương, trở thành một trong những nhà thơ dân tộc thiểu số nổi tiếng nhất trong làng thơ Việt; Nhà giáo, Nhà văn Mã A Lềnh trước khi về cõi vĩnh hằng đã để lại gia tài văn chương đồ sộ, gồm nhiều thể loại, được tặng rất nhiều giải thưởng lớn, ông là một trong những nhà văn sung sức, gạo cội của miền Tây Bắc; Nhà thơ Trần Hùng, nhà thơ của nỗi niềm thế sự; Nhà văn, nhà giáo Cao văn Tư, người suốt đời tâm huyết với sự nghiệp trồng người, sự nghiệp văn thơ; Nhà báo, Nhà thơ Hồ Xuân Đoan, nhà thơ của Vận hội của mùa xuân; Nhà văn Đoàn Hữu Nam đi lên từ gian khó, nguyện suốt đời gắn bó với văn chương; Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn bén duyên với thơ từ khi còn trên ghế nhà trường; Nhà văn Lý Tùng – Cuộc đời một tài tử, tài năng, tài văn; Nhà văn Mã Anh Lâm, trước khi bị trọng bệnh là người luôn tự hào và gánh vác trách nhiệm của một trong ba nhà văn người dân tộc Hmông; Nhà giáo, Nhà thơ Nguyễn Văn Tông, người bền bỉ sáng tạo nhiều thể loại văn học nghệ thuật; Nhà thơ Mạnh Tấn với những vần thơ vừa đằm thắm vừa mạnh mẽ, hệt như tính cách của chị; Nhà văn Nguyễn Văn Cự tình cờ đến với văn rồi coi văn là bến đậu suốt cuộc đời; Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thông, Nhà văn Phạm Duy Nghĩa, Nhà văn Tống Ngọc Hân rời Lào Cai song lòng vẫn đau đáu với Lào Cai. Rồi các Nhà văn, Nhà thơ: Nguyễn Khảm, Nguyễn Học, Đức Thuân, Trần Hùng, Đức Đảm, những người đã về cõi vĩnh hằng song thơ văn vẫn còn đọng lại. Các Nhà văn, Nhà thơ như: Đặng Đà, Vũ Diễm, Phạm Công Thành, Công Thế, Xuân Phượng, Trịnh Bảng, Phạm Lương Bằng, Nguyễn Xuân Mẫn, Quốc Hồng, Lê Minh Thảo, Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Lê Hằng, Mai Mơ, Mai Ngọc, Trần Thị Nga, Chu Thị Minh, Chu Dương…, mỗi người đều có những thành tựu trong say mê, bền bỉ thể hiện mình qua từng trang văn, vần thơ.

Các tác giả đoạt Giải A - Giải thưởng VHNT Lào Cai năm 2024

Có thể nói năm mươi năm qua văn chương Lào Cai đã định hình và phát triển, tự lực, tự cường, tạo dựng nên một nền móng văn chương đáng tự hào, đóng góp cho nước nhà nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi. Và cũng từ nền móng và kết quả đáng trân trọng này chúng ta tin văn học của Lào Cai hôm nay, ngày mai sẽ cất cánh bay cao bay xa.

Đ.H.N

#Hướng tới kỷ niệm 50 năm nền Văn học - Nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai
Địa chỉ:
581, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
0214 384 4820
vannghelaocai@gmail.com
tapchiphansipanglc@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này