
Trần Đăng Khoa mãi sáng trong một tình yêu tuổi thơ
Tôi đã được nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa nói chuyện văn chương, cuộc đời và các vấn đề xã hội nhiều lần trên các phương tiện truyền thông như tivi, VOV và cả trên mạng xã hội như Facebook… Trên Youtube còn có cả một kênh riêng phát hàng chục kỳ về những cuộc trò chuyện của nhà báo Phan Đăng với Thần đồng thơ.
Tôi cũng tìm đọc kha khá tác phẩm văn thơ của vị thần tượng mà tôi mến mộ như “Đảo chìm” “Góc sân và khoảng trời” “Chân dung và đối thoại”… Và cho đến hôm rồi tôi may mắn được lần đầu tiếp xúc với thần tượng Trần Đăng Khoa bằng xương bằng thịt. Có được may mắn đó trước tiên phải cảm ơn Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Khánh Hường hiệu trưởng và Ban giám hiệu trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn thành phố Lào Cai. Tham dự buổi nói chuyện của Diễn giả, nhà thơ Trần Đăng Khoa với học sinh về “Chuyên đề: Văn hoá đọc trong thời đại công nghệ số”. Một đề tài đang nóng và rất cần trong thời đại hội nhập hiện nay. Hôm đó tham dự còn có Tiến sĩ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, các văn sĩ Lào Cai gồm có nhà văn Đoàn Hữu Nam, NSNA - nhà báo Nguyễn Ngọc Dương, nhà thơ Hồng Thạo, nhà thơ Nguyễn Văn Hoàn và tôi với tư cách phóng viên của Tạp chí Phansipăng tham dự đưa tin viết bài.
Đúng như lời hẹn, 7h30 chúng tôi đã có mặt tại ngôi trường mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn, trường mới được chuyển về cơ sở cụm trường với đủ 3 cấp học, được xây dựng đầu tư trang thiết bị khang trang hiện đại. Đây là ngôi trường có đầu vào đòi hỏi chất lượng cao, có khảo sát đầu vào. Sân trường rộng thoáng bao phủ màu xanh rợp bóng xà cừ. Nắng sớm đầu mùa trải vàng ấm áp. Từng hàng học sinh đã ngay ngắn thanh khiết một màu đồng phục với những cặp mắt trong sáng và sự háo hức đợi chờ.
Nhắc đến Trần Đăng Khoa là người ta nhớ đến một “thần đồng thơ” từ cuối những năm 60, 70 thế kỷ trước và cho đến hôm nay và có lẽ đến cả sau này, câu chuyện về một cậu bé biết làm thơ từ lúc lên 8 - 9 tuổi sẽ còn kể mãi. Tôi còn nhớ ngày ấy trên đài đọc bản tin nói về cậu bé Khoa lên 10 tuổi đã có thơ được dịch in giới thiệu trên báo Nhân đạo của Cộng hoà Pháp. Vào đêm giao thừa Tết dương lịch cuối năm 1968, đài truyền hình của Pháp đã phát bộ phim tài liệu dài 30 phút với nhan đề Thế giới nhỏ của em Khoa. Tức là thơ của Trần Đăng Khoa đã vượt biên giới mang tầm Quốc tế từ khi đó, thế thì chả “Thần đồng” là gì!
Từ tuổi ấu thơ hồn nhiên đến khi trở thành là người lính canh giữ biển đảo giữa trùng khơi sóng nước bảo vệ Tổ quốc thân yêu, trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc là biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, rồi người lính Trần Đăng Khoa trở về đời thường, ông theo học tại Trường viết văn Nguyễn Du, sau đó được cử đi đào tạo ở Học viện Văn học thế giới mang tên Mác-xim Goóc-ki tại Liên Xô. Trải qua nhiều vị trí công tác từ phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi chuyển ngành sang làm cán bộ quản lý Giám đốc kênh truyền hình VOV, Phó bí thư đảng uỷ Đài tiếng nói Việt Nam. Và cho đến bây giờ ông vẫn đang “trụ trì” vai Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và cuộc sống. Dù công việc có bận rộn thế nào, thời gian có làm nhạt phai sức vóc thì cậu bé Khoa ngày xưa vẫn đồng hành cùng nhà thơ, vẫn hồn nhiên trong trẻo, vẫn dí dỏm hài hước, vẫn sâu sắc mà gần gũi. Đặc biệt ông rất quan tâm đến thế hệ trẻ, đến sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Nhà thơ đã đóng góp những ý kiến quý báu đối với việc dạy và học văn trong nhà trường. Các tác phẩm của Trần Đăng Khoa đã in trong sách giáo khoa ở các cấp học.
Những câu chuyện qua lời kể của nhà thơ trên các diễn đàn vẫn trong veo của tuổi thơ, hình như giọng điệu và tâm hồn ấy định khung làm lên Trần Đăng Khoa từ Góc sân và khoảng trời, Con bướm vàng, Vầng trăng sáng, Tấm ảnh Bác Hồ… từ Hạt gạo làng ta, Lọc cà lọc coc, Đánh thức trầu … Một trái tim tuổi thơ trong sáng hồn nhiên biết sẻ chia yêu thương. Cho đến nay, nhà thơ đã bước gần tới tuổi thất thập mà tâm hồn tuổi thơ vẫn theo ông năm tháng, vẫn hồn nhiên, khiêm tốn, chỉ tự nhận mình là người bình thường và thơ cũng tầm tầm không có gì đặc biệt...
Quay lại câu chuyện của Chương trình gặp gỡ giao lưu của nhà thơ với thầy trò trường Lê Quý Đôn về Văn hoá đọc trong thời đại Công nghệ số. Thật là một dịp hiếm. Sân trường rộng thênh thang là thế, vậy mà hôm nay kín chật bởi gần 1.000 thầy và trò xếp hàng chờ đợi. Sự háo hức được gặp thần tượng ấy còn lan sang cả các thầy cô của các trường trong cụm. Tham dự còn có lãnh đạo Phòng giáo dục thành phố, các phụ huynh quan tâm. Những tràng pháo tay như không ngớt khi nhà thơ xuất hiện với dáng vẻ bình dị, hồn nhiên và gần gũi. Nhà trường cẩn thận kê một chiếc bàn ghế trên sân khấu theo kiểu tọa đàm. Nhưng nhà thơ không lên đó mà cầm micro xuống giao lưu trực tiếp cùng các em học sinh.
“Nào chúng ta cùng bàn về việc đọc sách các bạn nhé” Giọng ông ấm áp thân tình, ai cũng có cảm giác đang là bạn với tác giả Từ góc sân nhà em, Hạt gạo làng ta…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa giao lưu với học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai
Những cử chỉ gần gũi, ánh mắt thân thiện, nụ cười cởi mở, qua các câu chuyện bình dị dễ hiểu, nhẹ nhàng, bằng chính từ cuộc đời của nhà thơ. Hài hước dí dỏm và sâu sắc đã đem lại những tiếng cười hồn nhiên trong sáng và những tràng pháo tay đồng cảm. Ông có tài nói chuyện cuốn hút và hoà đồng cảm hoá người nghe. Mọi e ngại của các em học sinh với “Thần đồng thơ - Diễn giả nổi tiếng Trần Đăng Khoa” dường như không còn khoảng cách. Chả vậy mà cuộc giao lưu kéo dài hơn 3 tiếng mà vẫn còn nhiều cánh tay giơ lên xin được giao lưu với nhà thơ. Như sự tiếp lửa nhiệt tình khiến nhà thơ càng nói càng say sưa. Hình như tâm hồn của ông được hoà nhập trở về với tuổi thơ với không gian tuổi thần tiên.
Chưa dừng, chưa thể nghỉ. Nhà thơ tự nhận “tôi chả có tài siêu việt thần đồng như người ta nói đâu, nhưng tôi có bí quyết: Đó là đọc sách. Nếu không có sách thì chắc chắn không có tôi. Người đầu tiên “chỉ đường” cho tôi đến với sách và hứng thú với sách là mẹ tôi. Mẹ tôi không biết chữ, nhưng bà là một “kho sách sống”. Bà thuộc lòng Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, bà có cả kho tàng truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ dân gian. Ngày nào mẹ tôi cũng đọc cho tôi nghe. Bởi vậy tôi thuộc Truyện Kiều từ rất sớm, ca dao tục ngữ ngấm vào tôi”.
Ông kể tiếp: Lúc bấy giờ mẹ tôi đâu có biết nhà văn, nhà thơ là gì đâu, chỉ muốn con trở thành người tử tế biết chăm chỉ lao động, biết thương yêu mọi người, yêu quý các con vật… Bà nghĩ và tin rằng những người đọc sách nhiều sẽ là người tử tế. Trước khi đi ngủ mẹ tôi hay kể truyện cổ tích, đến đoạn gay cấn thì mẹ tôi thường bảo “U quên mất rồi” con nhớ lại rồi kể cho U nghe. Cứ vậy tôi dần dần tìm ra con đường văn thơ từ chính những câu chuyện của mẹ. Tôi còn may mắn có một ông anh làm thầy giáo, là nhà thơ có một tủ sách đầy hự. Tôi mê mải đọc “Sách đã dẫn đường, soi sáng cho tôi đi”...
Những câu chuyện về sách được nhà thơ kể ra từ chính cuộc sống của ông. Cuộc giao lưu vào cao trào thân thiết, những câu hỏi thú vị của các em học sinh, của các thầy cô giáo đã làm nên không khí cởi mở thân thiện, làm sáng tỏ tầm quan trọng của chủ đề “Văn hoá đọc”. Lật lại những câu hỏi từ thuở thơ ấu của nhà thơ, những xuất xứ, góc khuất các tác phẩm làm nên tên tuổi Trần Đăng Khoa như Góc sân và khoảng trời, Sao không về Vàng ơi! Đánh thức trầu, đến tiểu thuyết Đảo chìm, hay tập sách Chân dung và đối thoại … các thể loại văn chương mà nhà thơ đã ra mắt và tái bản với con số kỷ lục. Như tập thơ “Góc sân và khoảng trời” tái bản lần thứ 155, tiểu thuyết “Đảo chìm” tái bản lần thứ 44 tính đến năm 2024. Có lẽ con số tái bản các tác phẩm của nhà thơ sẽ chưa dừng lại ở đó.
Nhà thơ đã giải thích về xuất xứ tác phẩm “Sao không về Vàng ơi” mà nhiều bạn yêu thích tò mò muốn biết. Câu chuyện đã đem đến cho người nghe những bất ngờ thú vị về tài năng và lòng yêu thương con vật của cậu bé Khoa thuở nhỏ: Ngày ấy, gia đình có nuôi một con chó mực đen tuyền, không hề có chút màu vàng nào. Vào một buổi chiều sau một trận bom Mỹ trút xuống, chú chó bỗng dưng mất tích. Đến tối mịt vẫn chẳng thấy con chó đâu. Rồi mấy ngày hôm sau cũng không thấy chó về. Cả nhà tôi buồn lắm. Em gái tôi khóc thút thít. Mẹ tôi đêm nào cũng để ngỏ cửa chờ chó về. Tôi bần thần chẳng làm được việc gì, hết trong nhà lại ra đồng gọi chó khản cả tiếng. Con mực thực sự là một người bạn thân thiết của tôi, đi đâu cũng đi theo. Nó còn là “ân nhân cứu mạng” cả gia đình khi nó phát hiện con rắn cạp nong to tướng chui vào gậm giường…
Đang lúc buồn bã thì có đoàn khách của Ty giáo dục Hải Dương đến thăm, có bác Lê Hào - Trưởng ty. Biết chuyện mất chó bác Lê Hào gợi ý bảo cháu làm bài thơ về chuyện mất chó. Cậu bé Khoa lập tức ngồi vào bàn viết liền một mạch bài thơ “Mất chó” phía dưới còn ghi rõ “Kỷ niệm ngày mất chó 3-4-1967” và chép vào cuốn sổ của bác Lê Hào. Cả đoàn ngạc nhiên. Bài thơ sau đó được đăng trên báo Văn Nghệ. Và tên bài thơ được Biên tập sửa lại “Sao không về Vàng ơi”, câu cuối cùng “chó ơi là chó ơi” được sửa thành “Vàng ơi là Vàng ơi”. Bài thơ chỉ sửa một từ thôi đã làm bài thơ trở nên hay biết bao nhiêu! “Vàng ơi là Vàng ơi” đúng là tiếng khóc thương nhớ một người bạn, chứ cứ để như cũ “chó ơi là chó ơi” thì còn gì là thơ. Biên tập thật tài tình. Ông cho biết người biên tập bài thơ ấy là nhà thơ Phạm Hổ.
Và còn rất nhiều những câu chuyện văn chương khác được nhà thơ kể ra bằng một lối kể nhẹ nhàng, chân thật mà dí dỏm hài hước. Nhà thơ hướng dẫn cách chọn sách, cách đọc. Ông khuyên: “Mỗi tuần nên đọc một cuốn sách phù hợp. Ngày nào cũng đọc và tìm giá trị đích thực trong mỗi cuốn sách, mỗi câu chuyện để định hình văn học. Rồi một ngày nào đấy sách sẽ dẫn mình đến chân trời mới đầy tươi sáng”.
Trong thời đại công nghệ số hiện nay sự bùng nổ thông tin như vũ bão. Việc tiếp cận thông tin phải có chọn lựa, phù hợp, trên sách truyền thống hay trên điện tử. Đọc sách biết tiếp thu cái mới cái tiên tiến, khơi trong gạn đục. Sách bồi dưỡng tâm hồn, vun đắp nhân cách, tính chân, thiện, mỹ, lòng vị tha làm cho cuộc sống và xã hội ngày tốt đẹp. Rồi cuộc sống chúng ta sẽ đi đến thế giới văn minh, mỗi người tự nâng tầm mình lên bằng con đường học tập, không có cách nào khác là phải đọc sách, tự đào tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ con người.
Vẫn còn nhiều những câu hỏi và tình cảm của thầy cô và các em học sinh dành cho nhà thơ, nhưng cuộc vui nào cũng đến lúc chia tay. Nhà thơ đã tặng lại thư viện nhà trường những cuốn sách yêu quý, những tình cảm thân thương. Cả thầy và trò ùa vào vây quanh nhà thơ xin chữ ký, xin chụp ảnh lưu niệm. Lưu luyến và ấm áp thân thương quá.
Khi chào tạm biệt thầy cô và các em ra về, lúc ngồi uống nước cùng “Thần đồng thơ” tôi đã tranh thủ trò chuyện thêm. Song những hào hứng thần thái nhà thơ khi nãy chạy đâu mất, chỉ nhận được những câu ầm ừ và đôi mắt lim dim trong tròng kính, mệt mỏi. Ông ngồi ngay như tượng. Bốn tiếng không ngừng nghỉ. Hình như năng lượng của “thần tượng” trút hết những yêu thương trong buổi giao lưu. Và hình như chỉ có tuổi thơ mới đủ khơi gợi được sự hào hứng trong ông. Bao yêu thương dành cả cho các em.
M.A
Từ khóa :
Quay lạiXem tin mới
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...