Tín ngưỡng thờ Mẫu dọc sông Hồng

Dương Tuấn Nghĩa

07:10 - 30/10/2024

Tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu) là một loại tín ngưỡng dân gian mang đậm sắc thái nguyên thủy với đối tượng thờ, các hình thức thờ, hình thức thể hiện niềm tin của con người trước các vị nhân thần và nhiên thần đại diện cho bốn miền trong vũ trụ là Thiên phủ, Thoải phủ, Địa phủ, Nhạc phủ. “Vị thánh đứng đầu cho mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản Thiên phủ, Mẫu Địa cai quản địa phủ, Mẫu Thoải cai quản sông nước, Mẫu Thượng Ngàn rừng núi. Giúp việc cho các Thánh Mẫu có nhiều vị thánh thuộc hàng Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu…”(1). Thông qua các truyền thuyết, huyền tích, câu truyện lịch sử và các nghi lễ, hình thức diễn xướng hết sức độc đáo đã làm cho Đạo Mẫu thực sự trở thành một loại “bảo tàng sống” của văn hóa truyền thống dân tộc.

Lào Cai là vùng đất biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), không chỉ nổi tiếng là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ hùng vĩ, cùng với văn hóa giàu bản sắc của 25 nhóm ngành dân tộc, mà còn là địa phương có hệ thống đền thờ - nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hết sức đa dạng, mang đậm chất vùng cao được nhiều người biết đến. Đặc biệt là hệ thống các đền thờ thuộc hệ thống Đạo Mẫu hình thành dọc sông Hồng, từ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt cho đến hết địa phận tỉnh Lào Cai.

1. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên vùng đất biên cương

Sông Hồng bắt đầu chảy vào đất Việt từ Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, là nơi hợp lưu của dòng suối Lũng Pô với dòng sông Hồng tạo ra ngã ba sông và trở thành điểm phân giới giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Suối Lũng Pô theo tiếng người Hmông được hiểu là “Rồng bố”, bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên và trở thành đường phân thủy giữa hai nước Việt – Trung trước khi hòa chung vào dòng sông Hồng để chảy vào đất Việt.

Lễ hội Đền Mẫu Lào Cai

Dòng sông Hồng chảy vào đất Việt trong suốt mấy nghìn năm, đã bồi đắp nên các vùng đất đai màu mỡ dọc sông Hồng và trở thành các yếu tố dẫn đến sự xuất hiện của các nhóm cư dân từ thời kỳ Nguyên thủy thuộc nền văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Đông Sơn… cư trú hai bên bờ sông Hồng. Trên địa phận Lào Cai đã phát hiện nhiều dấu tích và các di vật của người Việt cổ thuộc nền văn hóa Sơn Vi ở khu vực Ngòi Mi, Ngòi Nhù, Vĩ Kim, Ngòi Bo, Bến Đền,... hiện vật tìm thấy là các loại công cụ lao động bằng đá được ghè đẽo cẩn thận để dễ cầm nắm khi sử dụng. Lào Cai cũng là vùng đất phát hiện nhiều đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn. Số lượng hơn 20 di vật khai quật được đều rất đa dạng, như rìu, kiếm, mũi tên, trống, chuông… đặc biệt là trống đồng với kích cỡ và hoa văn trang trí khác nhau, là tiền đề của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Có thể thấy, dòng sông Hồng có một vai trò rất quan trọng để góp phần hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ với rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị… độc đáo, đặc biệt là văn hóa và con người. Với chiều dài 128 km của dòng sông Hồng chảy qua 5 huyện, thành phố thuộc địa phận Lào Cai, trong suốt chiều dài lịch sử, sông Hồng luôn được xem mạch nguồn kết nối giữa các nhóm ngành dân tộc tỉnh Lào Cai với các tỉnh dọc sông Hồng, là con đường truyền tải các giá trị văn hóa tiêu biểu giữa miền ngược và miền xuôi. Đặc biệt là sự hiện diện một cách tự nhiên của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt dọc sông Hồng trên vùng đất biên giới Lào Cai.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV (2), đến thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Tín ngưỡng thờ Mẫu này không chỉ xuất hiện ở vùng đồng bằng, trung du, mà ở khu vực miền núi cũng xuất hiện, đặc biệt là vùng biên giới nơi dòng sông Hồng chảy vào đất Việt.

Trên mảnh đất biên giới Lào Cai, mặc dù di tích là các ngôi đền thờ thánh, thần chỉ có 14/27 di tích lịch sử văn hóa (thuộc loại hình di tích tôn giáo tín ngưỡng) và có tới 9/14 (chiếm 64,28%) số di tích gắn với tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt đã Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dọc sông Hồng từ Lũng Pô đến cuối Bảo Hà.

Như vậy có thể thấy, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ mang đặc trưng của văn hóa Việt Nam đã hình thành và phát triển cùng với quá trình cư trú của người Việt dọc sông Hồng. Các ngôi đền dọc sông Hồng gồm có: Đền Mẫu Trịnh Tường, Đền Mẫu Lào Cai, Đền Thượng, Đền Đôi Cô Cam Đường, Đền Cô Ba, Đền Đồng Ân, Đền Kim Sơn, Đền Bảo Hà, Đền Cô Tân An. Một số ngôi đền thờ nằm trong khu vực biên giới, giáp với đường phân giới giữa hai nước Việt – Trung như đền Mẫu Lào Cai, Đền Mẫu Trịnh Tường, Đền Thượng… Các ngôi đền không chỉ còn là nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ thánh thần của nhân dân, mà đây còn là “cột mốc văn hóa tâm linh” đánh dấu chủ truyền Quốc gia nơi biên ải.

Cắt băng khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Đền Mẫu Trịnh Tường

Sự đa dạng của các loại hình di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, đặc biệt là hệ thống các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển hiệu quả loại hình du lịch văn hóa tâm linh của mình. Mỗi năm tổng số du khách đến tham quan, chiêm bái tại các di tích lịch sử văn hóa cũng có trên một triệu lượt, nguồn thu từ công đức đạt trên một trăm tỷ đồng mỗi năm. Riêng Đền Bảo Hà mỗi năm thu trên 70 tỷ đồng, đền Cô Tân An gần 20 tỷ đồng, Đền Thượng hơn 10 tỷ đồng… Với lượng khách trên một triệu lượt đã không chỉ mang lại nguồn thu cho các di tích, mà nguồn lợi cho cộng đồng cũng rất lớn thông qua các dịch vụ ăn nghỉ, đi lại, mua sắm hàng hóa, lễ vật… góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo cho người dân và thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.

2. Tăng cường công tác quản lý và phát huy giá trị cơ sở thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Tín ngưỡng thờ Mẫu có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài trong đời sống của cộng đồng các dân tộc, mặc dù đã trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, có những thời kỳ tín ngưỡng thờ Mẫu bị coi là hoạt động mê tín dị đoan, bị xã hội kỳ thị và bị cấm thực hành. Tuy nhiên, với sức sống nội tại hết sức mạnh mẽ và những giá trị văn hóa đặc sắc, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn tồn tại trong đời sống của cộng đồng, hình thức diễn xướng của các buổi hầu đồng vẫn gìn giữ và trao truyền qua từng thế hệ.

Là một tỉnh miền núi biên giới, đa thành phần dân tộc, văn hóa đa dạng, nhưng mọi người vẫn luôn tôn thờ Mẫu, hệ thống thần linh trong Đạo Mẫu. Đặc biệt là khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sức sống và phạm vi ảnh hưởng của Đạo Mẫu đến đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc lại càng mạnh mẽ.

Hình thức diễn xướng của các buổi hầu đồng vẫn gìn giữ và trao truyền qua từng thế hệ.

Tuy nhiên, trước sự tác động ngày càng lớn của các loại hình văn hóa mới, các loại đạo lạ, tà đạo… đến đời sống tinh thần của cộng đồng, nên việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng Mẫu, cách thức diễn xướng và nơi thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu là hết sức quan trọng. Nhất là các di tích – nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu dọc sông Hồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các cơ sở thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lào Cai nói chung và dọc sông Hồng nói riêng, cần thực hiện một số giải pháp:

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó, tuyên truyền Luật di sản văn hóa và các quy định khác liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ quan trọng. Nhất là các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu đối với các thầy đồng, thanh đồng, đạo quan… những người đang góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của Đạo Mẫu.

- Nghiêm chỉnh chấp hành đúng các cam kết giữa Nhà nước Việt Nam với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là Unesco) về bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt sau khi được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đẩy mạnh hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích là nơi thực hành của di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm bái của nhân dân và du khách thập phương. Đồng thời việc tu bổ, tôn tạo còn giúp cho các “cột mốc văn hóa tâm linh” đánh dấu chủ quyền biên giới Quốc gia được bền vững hơn.

Gắn mục đích bảo tồn, tôn tạo các di tích với phát triển du lịch tâm linh dọc sông Hồng nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương “biến di sản thành tài sản”, “biến văn hóa thành hàng hóa” để mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho địa phương trong bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2016), Hồ sơ di sản trình UNESCO “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (lưu tại Cục Di sản Văn hóa).

2. Trần Lâm Biền (2000): “Mẫu, Thần điện”, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

3. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu ở  Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

4. Ngô Đức Thịnh (2015), Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, NXB Thế giới, Hà Nội.

5. Ngô Đức Thịnh (2010), Phủ Quảng Cung trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam, NXB Tôn giáo, Hà Nội.

6. Phạm Văn Chiến (2013), Di tích đền thờ ở Lào Cai: Đền Bảo Hà, Đền Cô Tân An, Đền Ken, Đền Đôi Cô Cam Đường, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

7. Phạm Văn Chiến (2018), Truyền thuyết, lịch sử Đền Cô và một số di tích huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

8. Tỉnh ủy Lào Cai (2021), 30 năm Lào Cai sáng tạo, NXB Lao Động, Hà Nội.

9. Tỉnh ủy Lào Cai (2021), Lịch sử tỉnh Lào Cai (1907-1950), NXB Lao Động, Hà Nội.

10. Trần Hữu Sơn (2020), Đạo Mẫu dưới góc nhìn cấu trúc luận của Claude levi-Strauss. http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n28567/Dao-Mau-duoi-goc-nhin-cau-truc-luan-cua-Claude-Levi-Strauss.html.

#Tín ngưỡng thờ Mẫu
#Văn nghệ dân gian
#Dương Tuấn Nghĩa
#Đạo Mẫu

Quay lạiXem tin mới

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai
Địa chỉ:
581, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
0214 384 4820
vannghelaocai@gmail.com
tapchiphansipanglc@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này