TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG NGHỆ THUẬT THƠ LÒ NGÂN SỦN

Quang Chi

14:07 - 29/07/2024

Lò Ngân Sủn là một trong số nhà thơ miền núi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.

Nhiều bài thơ của ông đã được dạy trong sách giáo khoa phổ thông, tên ông đã quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh. Giá trị thơ Lò Ngân Sủn chính là tư tưởng nghệ thuật của ông. Thơ Lò Ngân Sủn thể hiện tình yêu đôi lứa say đắm mà hồn nhiên của người miền núi, là tiếng lòng tha thiết yêu quê hương miền núi với những cảnh sắc, con người được thể hiện qua cái nhìn nội tâm riêng của ông. Lò Ngân Sủn là một trong số ít nhà thơ Lào Cai có tư tưởng nghệ thuật độc đáo, đặc sắc riêng.

Tư tưởng nghệ thuật là thứ tư tưởng có tính tổng hợp cao rút ra từ toàn bộ tác phẩm của nhà văn. Nói cách khác, đó là một tư tưởng bao trùm cả sự nghiệp sáng tác của nhà văn, chi phối về căn bản toàn bộ thế giới nghệ thuật của nhà văn đó. Nó tạo ra một thế giới nghệ thuật thống nhất, hay còn gọi là một chỉnh thể nghệ thuật mang tính hệ thống. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng tư tưởng nghệ thuật là “thứ tư tưởng có tính tổng hợp cao rút ra từ toàn bộ tác phẩm của nhà văn... Đó là tư tưởng bao trùm cả sự nghiệp sáng tác của nhà văn, chi phối về căn bản toàn bộ thế giới nghệ thuật của ông ta. Nó tạo ra cho sự nghiệp ấy, cho thế giới nghệ thuật ấy tính thống nhất, tính hệ thống, hay nói cho đúng hơn là tính chỉnh thể.” (Nguyễn Đăng Mạnh – Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn). Như vậy, tư tưởng nghệ thuật về cơ bản là thứ tư tưởng tổng hợp này của người nghệ sĩ nhằm chiếm lĩnh toàn bộ đời sống bằng tất cả mọi giác quan và đời sống tinh thần của mình. Đó là một hình thái nhận thức đặc thù của người nghệ sĩ: nhận thức bằng “toàn bộ con người tinh thần với tất cả nội dung phong phú và tính tổng thể toàn vẹn của nó” (Nguyễn Đăng Mạnh - Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn). Nó đòi hỏi nghệ sĩ phải huy động toàn bộ mọi năng lực tinh thần của mình gồm cả lí trí và tình cảm, cảm xúc được kết hợp hài hòa, máu thịt với nhau để tạo ra một chỉnh thể nghệ thuật sống động, độc đáo, mang cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Mặt khác, tư tưởng nghệ thuật cần được hiểu như một hình thái tinh thần rất cụ thể, nó nảy sinh do sự cọ xát, va chạm một cách rất cụ thể giữa trí tuệ và tâm hồn người sáng tác với hiện thực khách quan. Bởi vì, nếu không tiếp xúc, không lăn lộn thực tế, không có kinh nghiệm sống, nhà thơ không thể có được tư tưởng nghệ thuật và sẽ không sáng tạo được hình tượng văn học có giá trị nghệ thuật thật sự.

Tư tưởng nghệ thuật của Lò Ngân Sủn được bộc lộ ở nỗi khao khát được thể hiện tình yêu say đắm đối với cuộc đời và con người, quê hương, đất nước bằng tâm hồn người Giáy chân phác.

Tư tưởng nghệ thuật này chi phối toàn bộ sáng tác của Lò Ngân Sủn trong suốt quá trình sáng tác. Thơ của ông là tiếng lòng của người Giáy đối với đất nước quê hương. Tình yêu ấy được thể hiện qua nhiều chiều kích và được nói lên bằng tâm hồn người Giáy, với sự độc đáo, đặc sắc của một tài năng lớn.

Tư tưởng nghệ thuật của Lò Ngân Sủn bắt nguồn sâu sắc từ văn hóa dân gian của dân tộc ông. Dân tộc Giáy là tộc người sống chủ yếu ở 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Người Giáy có khoảng hơn 400 nghìn người sống rải rác ở các thung lũng ven sông, ven suối hoặc ven các sườn đồi. Người Giáy có một kho tàng dân ca đồng dao và truyện cổ hết sức phong phú. Dân ca của người Giáy có nhiều loại, nhiều kiểu, nhiều lề lối. Cũng như các dân tộc khác ở miền núi Tây Bắc, dân ca người Giáy có hai loại chính là mo lễ tang và những bài ca trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, trong đó nổi bật lên là hình thức hát dân ca đối đáp. Hát dân ca đối đáp thường gọi là “Vươn Giáy”. Đây là một thể thức hát đối đáp làm say mê biết bao thế hệ người Giáy có hát qua đường, hát bên mâm rượu, hát chào quan khách, hát trao dâu, hát giao duyên… Những thanh niên Giáy có khi đi bộ cả trăm cây số để đến hát với nhau, hát qua đêm này sang đêm khác, hát đêm có rất nhiều bước và rất nhiều thủ tục. Lò Ngân Sủn là người mê hát dân ca từ nhỏ, ông từng theo hội Pí Lè để học hát, tham gia hát đối trong những đêm “vươn” Giáy, sau này ông rất thân với nhà thơ và là nghệ nhân dân ca Giáy nổi tiếng Lù Dín Siềng. Có lẽ vì thế mà thơ Lò Ngân Sủn mộc mạc mà giàu nhạc điệu như dân ca vậy chăng?.

Lò Ngân Sủn lớn lên trong thấm đẫm văn hóa dân gian của dân tộc mình như thế, ông được ăn, uống, hít, thở trong bầu không khí dân gian của một dân tộc có truyền thống văn nghệ, truyền thống văn học dân gian đa dạng, phong phú và độc đáo như vậy đã làm nên tâm hồn nhạy cảm phong phú của thi sĩ Lò Ngân Sủn. Cái mãnh liệt của thơ ca dân gian đã truyền lửa vào thơ Lò Ngân Sủn, nên tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn bao giờ cũng mãnh liệt, dứt khoát:

Chúng tôi đốt lên ngọn lửa lấy gang đúc lưỡi cày

Chúng tôi quai mạnh tay búa rèn dao, rèn súng

Không biết phi ngựa bắn cung thì không phải là con trai

Không biết cấy hái dệt vải thì không phải là con gái

Sống trăm tuổi mới xứng là người dai sức

Đứa trẻ địu bọc trên lưng – đấy là người con của núi

Ôi núi là người mẹ hiền bọc tôi từ tấm bé

Núi là người cha khắt khe ném tôi qua thử thách

(Núi)

Hình ảnh những con người của quê hương miền núi bao giờ cũng mạnh mẽ. Nhà thơ tự hào khi nói đến điều đó:

Chúng tôi

Những người con của núi

Sống ào ào như thác đổ

Sống dữ dội như lốc cuốn

Quanh năm vốc nước suối rửa mặt

Quanh năm thắp ngọn lửa làm mặt trời sưởi ấm

(Những người con của núi)

Chất dân gian đã giúp cho Lò Ngân Sủn có được những phương tiện nghệ thuật quen thuộc nhưng lại rất hiện đại, mới mẻ qua lăng kính của một thi sĩ đương đại. Thơ Lò Ngân Sủn bao giờ cũng bám vào cuộc sống, bắt rễ trong tâm hồn dân tộc. Tiếng thơ của ông là điệu hồn của dân tộc Giáy vừa trữ tình, thiết tha lại ngồn ngộn chất hiện thực của đời sống:

Có một ông già

Mình gấu

Râu hổ

Đầu nhuộm bạc

Cười vang vách đá

Dội lên khà khà

(Dưới chân núi Yên Ngựa)

Lò Ngân Sủn luôn quan niệm văn học, thơ ca là phương tiện để biểu đạt tâm hồn con người sâu xa hơn là biểu đạt cho tâm hồn của cả một dân tộc. Hơn ai hết, Lò Ngân Sủn ý thức được vai trò của thi ca trong việc thể hiện tâm hồn của cá nhân mình trong điệu hồn dân tộc mình. Đó là tiếng hồn giữa thác ngàn đổ, như gió như mây trên bầu trời quê hương. Với Lò Ngân Sủn, ông làm thơ để bạn bè muôn phương biết đến tâm hồn người Giáy nơi biên cương bốn mùa sương giăng mây phủ:

Chiều biên giới em ơi!

Nghe con sông chảy xiết

Nghe con suối thác đổ

Hồn ta như ngọn gió

Thổi giữa trời quê hương.

(Chiều biên giới)

Với Lò Ngân Sủn, thơ hay trước hết phải là thơ ca ngợi những giá trị nhân bản của con người, nhưng không chỉ có thế, nó còn phải được ngân lên bằng những rung động thật sự chân thành của một trái tim tràn nhiệt huyết: “Thơ hay là thơ thuộc về chân lý, lẽ phải, thuộc về trái tim nhân loại, và sẽ mãi mãi tồn tại cùng với thời gian, cùng với sự sống của con người. Những bài thơ hay ở trên trái đất này rất nhiều, và mỗi đất nước cũng rất nhiều. Đó là những bài thơ đỉnh cao, là niềm tự hào của con người”. (Thơ hay và thơ không hay – Tạp chí Văn số 1/2002). Đối với ông, bên cạnh có xúc cảm mãnh liệt thì thơ phải có tứ, phải có tư tưởng nghệ thuật thì mới bay lên trong bầu trời nghệ thuật bao la:

Thơ nổi lên là do từ

Từ nổi lên là do chữ

Thơ không từ như người không có tim

Chữ không hồn như chim không có cánh

Làm sao bay lên tận trời xanh?

(Thơ)

Nhà thơ trong quan niệm của Lò Ngân Sủn phải gắn kết với cuộc sống, bám rễ trong cuộc đời với xúc cảm mãnh liệt như ngọn lửa cháy rực tỏa nhiệt lượng mạnh mẽ để xua đi cái giá lạnh của mùa đông băng giá, nhưng lại như ngọn gió mát lành thổi tan cái nóng bức của mùa hè.

Trong tư tưởng nghệ thuật của Lò Ngân Sủn, thơ phải gắn bó với cuộc đời, tư tưởng nghệ thuật không được thoát ly với cuộc sống. Nhà thơ phải luôn đứng giữa cuộc đời để cảm nhận được những rung động, những biến đổi của cuộc sống để mà sáng tác.

Tôi chỉ thương những người chân đất

Một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày

Là ba trăm sáu mươi lăm ngày làm lụng

Tôi chỉ thương những người bạn làm thơ

Giàu mơ ước nhưng lại chưa thể giàu vật chất

Và tôi lại ra đi với những gì chưa nói

(Ra đi)

Tư tưởng nghệ thuật là một cấu trúc nội tại trong đời sống tinh thần của nhà thơ Lò Ngân Sủn, nó chi phối toàn bộ quá trình sáng tác của ông và tạo cho thế giới nghệ thuật trở thành một chỉnh thể thống nhất. Thế giới trữ tình trong thơ ca của ông là sự khát khao mãnh liệt được thể hiện tâm hồn người Giáy trong tình yêu lứa đôi, tình yêu đối với cuộc sống và tình yêu với quê hương đất nước. Chính tư tưởng nghệ thuật ấy đã đem lại cho Lò Ngân Sủn quan niệm về văn chương hết sức nghiêm túc, từ công việc, sứ mệnh của nhà thơ đến những quan điểm sáng tác của ông. Có thể nói tư tưởng nghệ thuật của Lò Ngân Sủn đã chi phối toàn bộ quan niệm của nhà thơ về sáng tác và về con người trong các tác phẩm của ông. Chính điều đó đã làm nên những sáng tác độc đáo của một hồn thơ rộng mở.

##Quang Chi
##Lò Ngân Sủn
##Chân dung văn nghệ sĩ

Quay lạiGiới thiệu

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai
Địa chỉ:
581, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
0214 384 4820
vannghelaocai@gmail.com
tapchiphansipanglc@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này