Tiếng súng trong đêm thanh vắng

Cao Văn Tư

22:12 - 22/12/2024

Cuối những năm năm mươi của thế kỉ trước, nạn thổ phỉ ở Lào Cai cơ bản đã dẹp xong. Dân các làng bản vùng cao dần dần trở lại cuộc sống bình thường, lo làm ăn làm mặc. Trường lớp mở dần tới các xã. Mỗi xã có một thầy giáo được điều về. Thầy giáo được đón long trọng lắm. Ủy ban xã điều người đánh hai con ngựa đi đón thầy, một con cho thầy giáo cưỡi, một con chở hành lý đồ đạc. Tiểu đội dân quân được tập hợp ở trụ sở ủy ban, quần áo súng ống chỉnh tề, xếp hàng rồi điểm số, chuẩn bị đón thầy giáo Chính phủ về xã dạy chữ cho trẻ em và dạy cho cả người lớn.

Thầy giáo trẻ từ miền xuôi lên, đường xa, đèo dốc, bao nhiêu là mệt mỏi, rất nhiều bỡ ngỡ và lạ lẫm, đến nơi, thấy tiểu đội dân quân súng ống xếp hàng, lại thấy đôi ngựa chờ sẵn, rất cảm động và cũng rất ái ngại. Chả biết nơi trường đóng có xa không, nhưng đường xá cheo leo, khấp khểnh, vách đá chênh vênh, vực sâu hun hút, ai mà dám ngồi trên lưng ngựa. Quần áo vài bộ, mấy cuốn sách đem theo, hành trang thầy giáo có vậy, của nả gì đâu mà chất lên lưng ngựa thồ.

Nhưng ngay lần gặp gỡ đầu tiên, đã thấy quý cái tình của người dân vùng cao đối với cán bộ thầy giáo của Chính phủ.

Sau những gặp gỡ đón tiếp trang trọng và tình cảm ấy, thầy giáo được cán bộ khu phổ biến tình hình nhiệm vụ trong cuộc gặp riêng, vẻ hệ trọng. Cán bộ khu phổ biến rằng:

- Phỉ đã dẹp xong từ vài năm nay. Nhưng chưa hết phỉ đâu. Đây đó vẫn còn vài tên ngoan cố, chưa ra hàng. Phần vì chúng vẫn tin là người Pháp nhiều tiền của, có nhiều súng to súng nhỏ, có con máy bay bay trên trời sẽ quay lại theo lời hứa. Phần vì chúng sợ ta trừng trị. Ta đã nói rõ, nói công khai với dân là Chính phủ khoan hồng với những người đi lạc đường, nay nên về với vợ con mà làm ăn. Những người ra hàng đều đã sống bình thường, không sao cả. Nhưng vẫn có kẻ chưa tin. Ta vừa vận động, vừa phải đề phòng...

Nói xong, cán bộ khu trao cho thầy giáo khẩu súng.

Đoàn giáo viên Hà Nội tình nguyện lên Lào Cai, tháng 9/1959.

Trong ảnh có nhà giáo Nguyễn Quang Khải và nhà giáo Phạm Văn Khoa (ảnh do nhà giáo Trịnh Thoại cung cấp).

- Súng là vật bất li thân. Phải bảo quản và sử dụng đúng nguyên tắc quân sự đấy nhé!

Cầm bút thì quen, nay lại phải giữ súng, là việc rất lạ lẫm. Thầy giáo trẻ thấy có gì đó rất hệ trọng thiêng liêng, và không khỏi ngại ngùng, băn khoăn.

Nhưng rồi, công việc cuốn hút. Không khí làng bản yên bình. Bà con vất vả cặm cụi trên nương. Gặp thầy giáo đâu cũng cười vui kèm theo câu chào ngọng nghịu:

- Chào cán bộ thầy giáo!

Chuyện thầy giáo đeo súng, như các cán bộ khác vẫn thường mang súng bên mình, trở thành bình thường.

Ông Lê Đình Đông quê Thanh Hóa, làm Trưởng phòng giáo dục huyện Bản Lầu, sau đổi thành huyện Mường Khương. Dáng người ông nhỏ thó, gầy gò, đóng bộ sooc ka ki, lộ rõ đầu gối củ lạc, chân đi dép cao su, bên hông khẩu súng lục gài trong bao da đeo trễ, trông thấy vui mắt hơn là oai vệ. Nhưng chả ai dám cười, và chả dám góp ý. Rồi sau đấy, không thấy Trưởng phòng Lê Đình Đông mặc sooc đeo súng nữa.

Ông Nguyễn Quang Khải quê Bắc Ninh, từ Khu học xá về, dạy học ở Hà Nội, xung phong lên Lào Cai và được điều vào huyện Mường Khương. Ông làm cán bộ phòng, đi chỉ đạo xóa mù chữ ở các xã. Ông hay viết tin bài gửi các báo từ ngày dạy học ở Hà Nội, lên miền sơn cước xa xôi, ông vẫn duy trì công việc của cộng tác viên. Bà con người Hmông đi làm nương xa, nhà ở La Pán Tẩn mà làm nương tận giáp Mường Lum, mạn giáp Bản Cầm. Mới tiếp cận với cái chữ, lại tin yêu thầy giáo của Chính phủ, bà con chịu khó học lắm. Trưa nghỉ tay, bà con tranh thủ ê a đánh vần. Thầy giáo Quang Khải đến tận nương để xem bà con làm ăn và học chữ thế nào. Về cơ quan, thầy lại viết tin gửi về báo Thời mới và báo Người giáo viên nhân dân. Đường xa, vòng vèo, dốc dựng đăm đẳm, thầy vẫn đeo súng bên mình. Kì thực, thầy chỉ đeo cái bao da, còn súng thì cất kĩ trong hòm gỗ ở nhà, khóa hòm, khóa cửa cẩn thận.

Thầy giáo Bùi Hoàng Hòa về dạy học ở Bản Mế khu Si Ma Cai. Thầy cũng được phát khẩu súng lục, nhưng thầy cất kĩ lắm. Phiên chợ Si Ma Cai, thầy tìm chỗ mỏm đá cao, giơ sách lên mở từng trang, hô hào bà con đi học. Thầy làm theo cách anh hàng thuốc rao bán hàng ở các chợ dưới quê. Thấy lạ, bà con chăm chú nghe. Lớp học của thầy đông dần. Về nghỉ tết hay nghỉ hè, thầy tìm sách, báo, họa báo, cắt lấy những chỗ có ảnh Bác Hồ, hình ảnh bộ đội, ô tô, máy cày, và các hình ảnh khác, đem lên Bản Mế, căng dán lên dây mở trưng bày triển lãm. Bà con xem rất thích. Thầy tranh thủ dạy chữ và hô hào bà con đi học. Một lần sơ ý, thầy mở hòm để lộ ra khẩu súng, chủ nhà nhìn thấy. Thầy sợ ảnh hưởng tâm lí người dân. May quá, ông chủ nhà cũng đã được cán bộ xã tuyên truyền, hiểu rõ việc phải cảnh giác với phỉ, nên không có gì đáng ngại ngần.

Bên Sa Pa, có thầy giáo được phát khẩu súng Mút cơ tông (Mousqueton) dài ngoẵng, nặng chịch. Từ xã xuống bản, quai súng đeo chéo ngực, khẩu súng chéo sau lưng. Từ xã lên huyện, thầy cũng khoác súng đi như thế.

Thầy Phạm Văn Khoa thì không làm thế. Thầy được cử xuống Thanh Phú, thay cho thầy Nguyễn Ngọc Thanh lên làm Hiệu trưởng trường Thiếu nhi dân tộc của tỉnh, đóng tại Sa Pa. Thầy Khoa cũng được phát khẩu súng trường mút cơ tông, có đạn, đầu đạn, vỏ đạn vàng chóe. Thầy không đem súng theo bên mình. Ban ngày, thầy có chỗ cất giấu bí mật. Đêm, thầy để súng dưới chiếu, sát vách, dọc theo người. Yên trí. Có động, thầy sẽ cầm súng bật dậy ngay. Là nói giả dụ có tình huống ấy, chứ làng bản yên ả thế này, người dân chân chất, hiền lành và quý mến thầy giáo thế này, làm gì có tình huống báo động bất thường!

Ấy thế mà có. Lớp học của thầy ở cạnh kho lương thực. Người thủ kho với thầy thường trò chuyện thân tình với nhau. Câu được con cá, hoặc có miếng thịt rừng dân cho, hai anh em thường gọi nhau ăn chung. Nhưng đêm đêm, người nào phải ngủ “nhà” người ấy. Trường học có mỗi một thầy giáo, cũng là cơ quan Nhà nước. Kho lương thực cũng là cơ quan Nhà nước, là kho thóc Nhà nước, không được lơ là. Thủ kho Lương thực cũng được phát súng, nhưng anh thấy ngại, báo cáo Huyện đội xin gửi tạm, sẽ nhận sau. Rồi lâu lâu anh chả nhận súng. Ngày tháng yên ả như dòng suối bên bản vẫn chảy ngày ngày.

Đêm hôm ấy, đêm trăng xuông và mờ sương. Núi rừng chìm trong màn đêm khuya khoắt. Bỗng bên kho lương thực có tiếng động phát ra, rồi tiếng thủ kho hét lớn:

- Ai! Ai! Ai!

Nghe tiếng động, thầy Khoa bật dậy theo động tác đã dự tính từ trước, cầm súng, đẩy bật cửa ra ngoài, chĩa súng lên trời, bóp cò!

- Đoàng!

Nòng súng lóe sáng. Tiếng súng và ánh lửa phá tan cái tĩnh lặng của núi rừng trong đêm. Mấy người dân ở gần đó chạy đến. Người thủ kho thở hổn hển kể lại sự việc...

Thì ra, tên phỉ náu trong hang đá giữa rừng sâu, không còn gì ăn, mò xuống kho kiếm chác. Nghe tiếng súng nổ, hắn lủi vội về rừng.

Người thủ kho tỉnh táo cảnh giác, hét lên kịp thời. Thầy Khoa cũng phản ứng mau lẹ, khẩu súng đã phát huy tác dụng.

Ít lâu sau, tên phỉ này lủi thủi đem cái thân rách rưới, còm nhom mò về bản, ngã vật ra bên suối. Hắn được cứu sống.

Thời gian trôi. Cuộc sống diễn ra trong thanh bình. Súng ống chỉ xuất hiện khi dân quân luyện tập. Bản làng đầm ấm yên vui.

Sau này, mỗi lần gặp nhau, người thủ kho lại bắt tay thầy Khoa, ôn lại kỉ niệm về phát súng nổ trong đêm trăng xuông mờ sương ở Thanh Phú ngày ấy...

#Bút ký
#Ghi chép
#Cao văn Tư

Quay lạiXem tin mới

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Lào Cai
0214 384 4820; 0216 385 2376
0904351468
vannghelaocai@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này