
Suy nghĩ về một nhà văn, nhà nghiên cứu chân chính qua tác phẩm “Tiếp cận văn hoá Hmông” của tác giả Mã A Lềnh
Ở vùng đất biên viễn Lào Cai, Mã A Lềnh là tên tuổi lớn. Sự ra đi về cõi vĩnh hằng của nhà văn vào ngày 21/2/2024 đã để lại trong đời sống văn học - nghệ thuật Lào Cai một khoảng trống, khó có thể lấp đầy. Mỗi người có cách nghĩ riêng về nhà văn... Nhưng với tôi, Mã A Lềnh lúc nào cũng đau đáu hướng về văn hóa, cội nguồn dân tộc. Ông cần mẫn dốc hết sức, hết lòng đem nó đi xa. Đó là phận sự, là sứ mệnh của người con quê hương mà Mã A Lềnh ý thức rõ ràng. Trong các tác phẩm của mình, ông đi sâu mô tả thế giới nội tâm của người miền núi, trong bối cảnh đổi thay của thời cuộc và trong quá trình tiếp cận với thế giới văn minh. Qua đó, người đọc dễ dàng hình dung ra không gian, tập tục rất lạ, rất độc đáo của người Hmông nói riêng và người miền núi nói chung. Tôi viết bài “Suy nghĩ về một nhà văn, nhà nghiên cứu chân chính qua tác phẩm Tiếp cận văn hoá Hmông” dịp Hội thảo xuất bản cuốn sách và ra mắt độc giả. Nay Nhà văn Mã A Lềnh đã về cõi thiên thu, tôi gửi đăng trên Văn nghệ Lào Cai như một nén tâm nhang, gửi lời tri ân đến ông về những đóng góp cho nền văn học địa phương và nước nhà.
Khi hoàn thành và xuất bản công trình “Tiếp cận văn hoá Hmông”, tác giả Mã A Lềnh đã ở cái tuổi mà các cụ thường gọi là “xưa nay hiếm”. Một nhà giáo, nhà văn, người con của dân tộc Hmông đã có rất nhiều tác phẩm; đã từng làm lãnh đạo, quản lý; đã từng trải, bôn ba… vậy mà ông vẫn lấy tiêu đề cuốn sách là “Tiếp cận văn hóa Hmông” một cách thật khiêm nhường. Với mong muốn bày tỏ sự trân trọng, trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin nêu suy nghĩ của bản thân về một số đóng góp quan trọng của tác giả qua một tác phẩm cụ thể của ông viết về dân tộc Hmông trong bối cảnh có khá nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về dân tộc này.
1. Những phát hiện mới mẻ, sáng tạo là ấn tượng đầu tiên rõ rệt nhất khi tôi đọc xong tác phẩm này.
Có lẽ ý thức rất rõ rằng, đứng trước một nền văn hóa lớn của một dân tộc vùng cao còn nhiều điều bí ẩn, cho dù có sinh ra và lớn lên trong lòng dân tộc đó, thì vẫn có nhiều mã văn hóa không thể lí giải một sớm một chiều. Vậy nên, ông đã có một lựa chọn đúng mức, thể hiện rõ sự già dặn, từng trải. Tác giả không cấu trúc tác phẩm theo chương hay phần thông thường mà trình bày thứ tự 12 nội dung chính theo trình tự từ khái quát những vấn đề chung đến các nội dung cụ thể của nền văn hóa Hmông đặc sắc với một dung lượng khá lớn trên 650 trang và nội dung khá toàn diện. Ông cũng không dùng nhiều lí thuyết để áp vào nền văn hóa ấy một cách khiên cưỡng mà chủ yếu tận dụng sở trường của một nhà văn để miêu tả những điều mắt thấy, tai nghe, tâm cảm, nên tác phẩm hiện lên như một dòng chảy của kí ức văn hóa vô tận trong tâm khảm một con người, một dân tộc.
Gia đình người Hmông ở SaPa những năm 1930 của thế kỷ trước (Ảnh tư liệu)
Tác giả đã khảo sát trên một diện rộng những vấn đề cốt lõi về tộc người Hmông trong quá khứ và hiện tại với nhiều số liệu thuyết phục. Đặc điểm di cư và thiên di, đặc điểm từng ngành, từng họ, từng vùng, phong tục, tập quán, thiết chế xã hội ...của người Hmông được ông phân tích, cắt nghĩa với nhiều điểm mới mẻ mà trước đó có nhiều cách hiểu chưa đúng, hoặc gợi mở ra một hướng suy nghĩ mới đặt vấn đề cần nghiên cứu thêm. Chẳng hạn, tục làm ma trâu hay ma bò (uô vangz) mà mọi người hiểu nhầm là ma khô, vùng Cao Sơn không dùng tên đệm là cách đặt tên họ thuần Hmông, làng (jaol) là đơn vị duy nhất có tên gọi và người Hmông có đến 8 cách đặt tên làng, việc người Hmông di cư vào Lào Cai có thể đã xảy ra trước khi có những đợt thiên di đông người sau này...
Mẹ con người Hmông (Ảnh tư liệu)
Nhiều nội dung mới mà các sách trước đó chưa đề cập đến, hoặc nói đến nhưng chưa đủ, chưa chính xác, được tác giả thống kê, hệ thống hóa, miêu tả chi tiết, tỉ mỉ, phân tích rõ nghĩa, đối chiếu so sánh với các vùng khác nhau để minh chứng, thuyết phục. Đây là những tư liệu hết sức quý giá đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu về dân tộc Hmông như những điều cấm (bắt trói người sống, đánh đập, tra tấn tàn bạo; gây đổ máu; treo người lên cao; dìm nước; làm bia để bắn; thả ma ngũ hải – tr.157) và hình thức xử phạt (10 tội bị xử phạt với các hình thức khác nhau – tr.156-157); những điều cần biết khi vào làng Hmông; Xếnh Lầu xưa và thủ lĩnh ngày nay; các tình huống trong quan hệ hôn nhân, tục kéo vợ; tính chung thủy của các cặp vợ chồng, hiếm khi ngoại tình (tr.109); văn hóa ẩm thực; các thần, ma trong tín ngưỡng; những tục lệ huyền bí trong dân gian.v.v. Tôi xin nhấn mạnh, những tri thức này là rất quan trọng để khẳng định bản tính, phong tục của một dân tộc, bởi điều đó giúp ta tránh được cách hiểu sai lầm, định kiến mà một số sách trước đây đã mắc phải.
2. Sự chừng mực, đúng đắn thể hiện bản lĩnh và dày dạn của tác giả.
Các nội dung thuộc về tính cách, tập quán Hmông được tác giả phân tích, lí giải kĩ lưỡng, tỉ mỉ với cái nhìn thận trọng, trân trọng sự thật, tránh nói quá lên để PR, cũng không thêu dệt thêm nhằm hấp dẫn người đọc.
Tục kéo vợ của người Hmông. Ảnh: Thiện Hùng
Ví dụ: - Phân tích về mối quan hệ dòng họ, cộng đồng rất đúng mực: “đã có xuất hiện phân hóa đẳng cấp nhưng chưa rõ nét..., chưa có tình trạng bóc lột...Sự chênh lệch kinh tế tầng lớp trên và người lao động không quá lớn là bởi quan hệ huyết thống, quan hệ anh em, cũng như luật tục nghiêm khắc của dòng họ đã buộc người giàu có trong họ kiềm chế sự bóc lột...nói chung người giàu ít, đại đa số là người lao động nghèo khổ...”.
- Lí giải người Hmông ở núi cao, ông cho rằng sở dĩ đến sau nên ở cao chứ không có ý chọn độ cao để sinh sống.
- Lí giải tính cần cù: “trong ngôi nhà ấy, mỗi người tự ý thức phận sự và tự nguyện (làm việc) một cách hồn nhiên theo phận sự”, phản ánh đúng, chính xác sự chất phác trong tính cách Hmông...
Kỹ thuật vẽ sáp ong đòi hỏi người vẽ hoa văn phải vô cùng tập trung có tính chính xác cao, vì thế người làm công việc này phải thật tinh tế, sáng tạo và có tính thẩm mĩ.
3. Dám nhìn thẳng vào sự thật còn yếu kém trong cộng đồng dân tộc, đặc biệt trong tập tục để đề xuất giải pháp khắc phục chứ không chê bôi, cười nhạo hay miệt thị.
Phê phán những hủ tục lạc hậu cần loại bỏ. Tác giả luôn khách quan trong miêu tả, phân tích, đánh giá; đặc biệt ông rất chú ý phê phán đối với những hủ tục còn lạc hậu, cần có biện pháp loại bỏ dần với mong ước đời sống cộng đồng Hmông ngày càng tiến bộ, văn minh, no ấm hơn. Ở hầu hết các phần, ông đều có nhận xét, đánh giá và phê phán nếu thấy vấn đề đó, theo ông, còn lạc hậu, chưa chuẩn, cần phải cải tạo hay thay đổi. Chẳng hạn:
- Nói về di cư: “Có thể nói di cư là kẻ thù của văn hóa. Mỗi cuộc di cư hay chuyển cư đều làm mất mát đi ít nhiều phong tục tập quán truyền thống” (tr.27); “tập tính đó (di cư) vẫn còn tồn tại đến ngày nay...và trầm trọng hơn nếu không có chính sách đoàn kết, chính sách đất đai…” (tr.84).
- Nói về khai phá đất đai: “Tình trạng người Hmông di cư tìm đến những vùng đất hoang vắng vẫn tiếp tục diễn ra, khi thì ồ ạt, khi thì lặng lẽ” (tr.146).
- Nói về phận làm dâu: nếu chồng chết hay bỏ có thể về nhà bố mẹ đẻ nhưng khi chết, việc lo tang ma phải được đa số ý kiến trong họ tán thành là một luật tục khắt khe, làm cho phụ nữ cảm thấy cô độc, tủi phận, nhiều người tự tử. Đây là hủ tục cần loại bỏ.
- Nói về tập tục lạc hậu: Ngày nay, một số luật lệ, hủ tục đã chìm vào dĩ vãng...song còn nhiều quy ước không thành văn...vẫn tồn tại nên khi xử lí các tình huống rất cần lưu ý các tập tục.
Và còn có thể nêu rất nhiều dẫn chứng, chứng tỏ tác giả có cái nhìn độc lập, quan điểm rõ ràng với mong ước người dân tộc mình ngày càng văn minh, tiến bộ hơn. Đó cũng là ước vọng của một nhà văn, nhà nghiên cứu chân chính.
Để kết thúc bài viết, tôi xin nêu nhận định của một số nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình: Tác giả Hiền Nguyễn nhận định: Mặc dù, nhiều trang trong cuốn sách chỉ gợi ra những biểu hiện văn hoá nhưng cách dẫn dắt khá thú vị, bằng những câu chuyện, truyền thuyết, huyền tích khi nói về tộc người, tổ chức xã hội - dòng họ, mối quan hệ thân tộc, huyết thông đến đời sống văn hoá vật chất, tinh thần với những giá trị biểu hiện đặc trưng; giới thiệu kho tàng văn học truyền thống, lễ thức tang ma, quan niệm triết học về nhân sinh…"Tiếp cận Văn hoá Hmông" là cuốn sách kết hợp chất nghệ sĩ và chất khoa học, với cuốn sách này nhà văn Mã A Lềnh đã góp thêm một cách tiếp cận, một cái nhìn mới, một cắt nghĩa khác khi nghiên cứu về văn hoá dân tộc Hmông: dân dã hơn, văn học hơn.
Quay lạiGóc nhìn Văn học
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...