Sự tích làng nhãn

Trần Thị Minh

23:01 - 15/01/2024

Một sáng mùa thu có ông chào mào lặc lè cắp chùm nhãn bay ngang trời. Không may khi qua một con suối, chùm nhãn rơi tõm xuống dòng nước xiết. Trên chùm nhãn có ba anh em. Quá hoảng loạn chúng vội ôm chặt nhau hết trồi lên lại ngụp xuống, bị quăng quật vào các tảng đá xây xước hết cả mình mẩy. Chúng ra sức vật lộn trong dòng nước xiết, đôi lúc lại gào lên: “Hãy ôm chặt nhau”. Dòng nước hung dữ tiếp tục cuốn chúng một quãng nữa rồi quăng lên một hòn đá giữa dòng. Chúng ngất lịm đi. Gần cuối buổi chiều, một cơn lũ khác tràn đến tiếp tục cuốn phăng ba anh em theo dòng nước xiết... Rồi chúng được đẩy đến chỗ mặt nước bình lặng, êm ả. Lúc này ba anh em mới nói chuyện được với nhau. 

Chú Út bị còi cọc từ lúc mới sinh ra nên thân mình bé tí, rắn đanh. Đã thế sau khi bị va đập nhiều, nhánh bị gãy, chỉ còn chút xước bám vào cái nhánh to.  Trên nhánh to ấy là hai nhãn anh phổng phao vừa độ chín, bộ áo ngoài rách tơi tả, lòi cả lớp thịt trắng nát tươm ra. Anh Cả động viên “Cố lên, ba anh em mình cố dìu nhau vào bờ”. Chú Út phều phào: “Hai anh ơi, em mệt lắm rồi. Đằng nào em cũng không thể tồn tại. Hãy dứt em ra khỏi cành để các anh tấp vào bờ nhanh hơn, chứ quấn mãi với nhau lại ngâm nước nhiều, cả hai anh đều hỏng hết!”.

Hai nhãn anh không chịu, chúng dang tay, cố ôm chặt lấy cậu em bé bỏng: “Không! Anh em mình sống chết có nhau! Các anh không thể bỏ em được!”.

Đột nhiên dòng chảy nhanh hơn, chúng lại bị xoáy vào dòng nước xiết. Ba anh em cứ líu ríu bám lấy nhau. Nhãn Cả cố giơ tay ôm hai nhãn em, nhưng dòng nước mạnh phăng phăng dứt tay chúng ra khỏi nhau. Anh Hai gần út hơn giữ chặt tay em. Cậu em gào lên: “Bỏ em ra! Em vĩnh biệt các anh. Em đi đây. Các anh bơi vào bờ để mọc cây giữ giống quý theo lời mẹ dặn!”, rồi nó quằn quại cố bứt mình ra khỏi nhánh to. Hai cậu anh gào lên trong nước mắt: “Em Út ơi! Em ơi!”. Út quay lại mỉm cười, rồi cuốn vào dòng xiết lao vút đi.

Sau hồi bị quăng quật, hai nhãn anh bị đánh dạt vào bờ. Một cơn sóng lớn tấp lên mấy lần nữa khiến hai đứa bị bứt ra khỏi nhánh bắn tít lên bờ đất mịn mỗi nơi một đứa. Chúng ngất đi…

Không biết chúng lịm đi được bao lâu. Nhãn anh dần hồi tỉnh. Nó lơ mơ cảm thấy người đang hừng hực nóng. Nó thắc mắc đang yên ấm trên thân mẹ, giữa các anh chị em rất đông đúc mà tại sao mình ở chốn này? Có tiếng suối chảy gầm gào phía xa xa, nó dần dần nhớ ra hình ảnh ông chào mào quái ác và tai nạn mà anh em nó gặp phải. Nó chồm dậy nhưng người đau như dần bèn cố ngóc đầu nhìn lại thân mình. Lớp thịt trắng biến đâu mất, cả người nó đen nhánh. Và kỳ lạ thay, phần cuống đã mọc lên một cái mầm to, ngắn ngủn, trắng tinh, cùng lấm tấm những chiếc rễ tí teo đang cố đâm vào đất. Nó ngước nhìn lên, xa xa là chú nhãn em cũng đang nằm im lìm, hai anh em cố gượng cười chào nhau rồi rưng rưng nước mắt thương nhớ chú Út… Có tiếng ru rì rầm nhè nhẹ từ lòng đất, mí mắt nặng trĩu, hai anh em lại mơ màng thiếp đi.

Buổi sáng ấy, Nhãn Cả chợt mở bừng mắt, thấy đất trời rất lạ. Bầu trời trong veo. Cỏ cây xung quanh xanh mềm dịu mắt. Lớp đất mịn tơi. Tiếng chim ríu rít trên đầu. Nhãn Cả nhìn về phía chú Hai. Nó giật mình khi thấy một cây nhãn có phần ngọn lá tím sẫm đang vươn lên, đón những tia nắng đầu tiên của mặt trời. Nó bỡ ngỡ cúi xuống nhìn lại mình. Nó cũng đã thành cây. Thân hình nó đang phổng phao, vươn thẳng. 

- Ôi chà chà! Anh em mình thành cây rồi! 

Nó reo to, phất phất những chiếc lá non tím đỏ vẫy chào chú em. Nhãn em cũng sung sướng reo lên:

- Em cũng thành cây rồi anh ơi! Mẹ mà biết anh em mình thế này thì mẹ vui lắm!

Mừng quá, hai đứa cứ ríu rít vừa nói chuyện vừa vươn ra hứng ánh mặt trời buổi sáng. Chúng đều cảm thấy có một sự chuyển động nhè nhẹ trong người từ phần ngọn tím sẫm, đến toàn thân với những chiếc lá xanh biếc và xuống tận bộ rễ đang vươn sâu bám chặt vào lòng đất mẹ…

*  

Ngày tháng qua nhanh, hai anh em đã trở thành hai cây nhãn to, khỏe mạnh  giữa một vùng rừng núi hoang dã. Con suối năm xưa không biết vì sao đã bị thu hẹp, lỏng chỏng đá. Cũng đôi lần có lũ to, bao nhiêu đá to, đá nhỏ bị lũ cuốn về chềnh ềnh, rải rác khắp lòng suối, nhưng hai chàng nhãn vẫn kiên cường chống chọi và ngày càng vững chãi.

Mùa xuân ấy, hai anh em nhãn tự nhiên thấy trong lòng xốn xang kỳ lạ và rừng rực nhựa sống. Đất trời, cỏ cây hoa lá cũng ngập tràn niềm vui. Có điều gì mới mẻ căng tức đang cựa quậy trên những đầu cành…

Ngày qua ngày. Điều kỳ diệu đã đến.

Tít trên các đọt cây là những chùm nụ. Vô vàn nụ hoa bé tí teo nhưng lớn nhanh như thổi. Cho đến sáng ấy, chúng đồng loạt bung nở. Những chùm hoa trắng ngà, ngan ngát vị hương thơm thơm ngòn ngọt, kéo theo bao nhiêu bạn ong mật suốt ngày đến cần mẫn thụ phấn. Chẳng bao lâu, khi những cánh hoa rụng hết là những chùm quả lộ ra. Ban đầu, chúng lấm tấm như những sọ tiêu xanh biếc. Ngày tháng qua đi, chúng lớn dần to đẹp như những khuy áo màu lục bảo, chĩa thẳng lên trời đón nắng gió và những kỳ diệu của thiên nhiên đất trời…

Ánh nắng gay gắt của mùa hè đã cô lại vị mật ngày càng ngọt lừ trong lớp thịt cũng ngày càng dày mọng của từng quả nhãn. Cái hạt bên trong lớp thịt dày đó, lại ngày càng co lại bé xíu. Cuối hè, trên mình hai anh em nhãn là những chùm quả chín sum suê. Chim chóc kéo đến đem theo những câu chuyện muôn phương ríu rít kể cho nhau nghe rồi cãi nhau ỏm tỏi. Nhờ thế, hai anh em nhãn mới biết vì sao dòng suối dữ dằn năm xưa dưới chân chúng chỉ còn là dòng chảy bé tí bởi phía thượng nguồn bị người ta chắn nước làm hồ thủy điện. Rằng khu đất này rất xa khu dân cư, rất ít người đi đến. Rằng quả nhãn ở đây ngon nhất mà lũ chim từng được thưởng thức…

Từ đấy trở đi, anh em nhãn đã giúp bao người lạc rừng có cái ăn qua khỏi cơn đói khát khi mùa nhãn tới. Dần dần, các thế hệ con cháu của nhãn đã biến vùng đất hoang vu này thành một rừng nhãn. Qua bao sự đổi thay, nơi đây đã thành một làng dân cư đông đúc với nguồn thu nhập chính là giống nhãn đặc sản này… 

- Đấy! Nguồn gốc làng Nhãn ta là thế đấy – cụ nhãn em gật gù tiếp lời. Cả vườn nhãn chăm chú nghe tiếp hai cụ nhãn cổ thụ đang xào xạc kể lại câu chuyện vì sao mà dòng họ mình lại nổi tiếng ở một làng miền núi như vậy.

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Lào Cai
0214 384 4820; 0216 385 2376
0904351468
vannghelaocai@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này