Phụ tử liên danh - Gia phả dòng họ người Hà Nhì

TS Dương Tuấn Nghĩa

10:01 - 20/01/2024

        

Tác giả (áo đỏ) trao đổi với Nghệ nhân người Hà nhì

         Dân tộc Hà Nhì là 1 trong 6 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến gồm: Cống, La Hủ, Si La, Lô Lô, Phù Lá và Hà Nhì[1]. Trước năm 45 của thế kỷ XX, người Hà Nhì được gọi với các tên gọi khác nhau, như: Uní, Xá, Khứa Di, A Khà… nhưng những tên gọi này không được đồng bào chấp nhận, họ tự nhận mình là Hà Nhì Già (người Hà Nhì)[2]. Căn cứ vào trang phục truyền thống cho thấy, người Hà Nhì ở Lào Cai thuộc nhóm Hà Nhì Đen, dân số hơn 4.600 người[3], địa bàn cư trú chủ yếu là các xã Nậm Pung, Y Tý, A Lù, A Mú Sung, xã Trịnh Tường của huyện Bát Xát. Người Hà Nhì là nhóm tộc có dân số ít, lịch sử cư trú lâu đời, với nhiều loại hình văn hóa đặc trưng, giàu bản sắc và có giá trị độc đáo. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về lịch sử hình thành và quá trình cư trú ở Việt Nam của người Hà Nhì cho đến nay vẫn đang là vấn đề chưa được làm rõ, mặc dù một số công trình xuất bản đã có đề cập đến vấn đề này

Do đó, trong bài viết này, tác giả chỉ bàn đến một góc nhỏ trong quá trình nghiên cứu về lịch sử dòng họ của người Hà Nhì ở Lào Cai qua một loại hình “gia phả” đặc biệt gọi là “Phụ tử liên danh” để hiểu hơn về lịch sử của dân tộc.

1. Kết cấu của hình thức Phụ tử liên danh của người Hà Nhì

Ông cháu Người Hà nhì

Phụ tử liên danh của người Hà Nhì được thực hiện theo nguyên tắc “cha truyền cho con” với hình thức đặc tên là lấy chữ cuối cùng của tên bố làm tên đệm cho con. Với hình thức đặt tên nay, tất cả anh em cùng bố trong một đời đều có chung một tên đệm và họ sẽ phải tự ghi nhớ trong đầu và truyền lại cho con, cháu mình vào một lần duy nhất trong năm, không tự ý đọc cho nhau nghe nếu không được phép của người lớn tuổi nhất trong gia đình, dòng họ.

Kết cấu độc đáo của tên gọi như sau:

ABC – (2) ACD – (3) ADE – (4) AEF – (5) AFG – (6) AGH…

Trong đó:

1. Thế hệ thứ nhất:

- A là họ.

- B là tên đệm (tên gọi của người bố).

- C là tên gọi chính.

2. Thế hệ thứ hai:

- A là họ.

- C là tên đệm (tên gọi của người bố).

- D là tên gọi chính của thế hệ thứ hai.

3. Thế hệ thứ ba:

- A là họ.

- D là tên đệm (tên gọi của người bố).

- E là tên gọi của thế hệ thứ ba …và cách đặt tên này được thực hiện đối với  các thế hệ tiếp theo của các thành viên trong cùng một chi hệ của một dòng tộc.

Hình thức đặt tên này đã được thực hiện trong suốt chiều dài tồn tại và phát triển của mỗi gia đình, dòng họ dân tộc Hà Nhì. Với cách thức đặt tên này, người Hà Nhì có thể nhớ được khoảng hơn 30 đời, những đời nào bắt đầu sang Việt Nam cư trú. Năm 2009, tác giả đã tiến hành các cuộc khảo sát, tìm hiểu về các dòng họ lớn của người Hà Nhì ở Lào Cai. Trong đó, tại thôn Lao Chải 1 – xã Ý Tý, tác giả đã khảo sát dòng họ Lý (Ly), dòng họ Phu, Tráng, Sần... để làm rõ hơn về giá trị của hình thức đặt tên này của người Hà Nhì.

Bát cơm của cô dâu chú rể

Khi phỏng vấn ông Ly Dế Giờ (Ly Sao Chơ) sinh năm 1945, cư trú tại thôn Lao Chải 1, xã Y Tý, huyện Bát Xát (năm 2009). Ông đã thống kê được 7 đời từ khi di cư sang sinh sống tại vùng đất Y Tý, gồm: Ly Gì Giờ - Ly Giờ Mờ - Ly Mờ Gà – Ly Gà Dế - Ly Dế Giờ - Ly Giờ Có – Ly Có Mừ. Tiếp theo, tác giả đã phỏng vấn ông Phu Gió Che sinh năm 1954, cư trú tại thôn Lào Chải 1, xã Y Tý (năm 2009) được biết dòng họ Phu di cư đến khu vực xã Y Tý đến nay đã được 8 đời, gồm: Phu Chu Ho – Phu Ho Sá – Phu Sá Mờ - Phu Mờ Sề - Phu Sề Gió – Phu Gió Che – Phu Che Cà – Phu Cà Giá. Dòng họ Trang (Tráng), ông Trang Suy Gió cho biết dòng họ của ông đến vùng đất Y Tý này cũng đã được 7 đi, gồm: Trang Sá Gà – Trang Gà Sá – Trang Sá Suy – Trang Suy Giờ - Trang Giờ Gió – Trang Gió Vù – Trang Vù Lù; Dòng họ Chu, phỏng vấn ông Chu Giờ Gió, ông cho biết dòng họ của ông đến Y Tý đã được 7 đời, gồm: Chu Giờ Suy – Chu Suy Dế - Cho Dế Dờ - Chu Dờ Gió – Chu Gió Cà – Chu Cà Sá. Khi phỏng vấn một nhánh khác của dòng họ Chu, ông Chu Che Có cư trú tại thôn Lào Chải, xã Y Tý đã cho biết về lịch sử của dòng họ của ông tại thôn Lao Chải, xã Ý Tý. Ông Có cho biệt ông tổ của dòng họ Chu được coi là người đầu tiên đến cư trú tại thôn Lao Chải, các cụ vẫn kể cho con cháu nghe về thời gian di cư đến, lúc ấy chỉ có 5 – 6 gia đình cùng di cư qua biên giới đến tìm đất lập bả, sau đó mới tách ra các thôn bản khác. Do đó, thôn Lao Chải được gọi là thôn cũ. Tính đến nay, dòng họ của ông đã sống ở đây được 12 đời và ông là đời thứ 10.

Như vậy, nếu tính mỗi đời với 20 năm thì thời gian cư trú của các dòng họ người Hà Nhì ở xã Y Tý đến nay cũng trên 200 năm. Điều này phù hợp với thông tin đã được các nhà nghiên cứu công bố trước về lịch sử của người Hà Nhì ở Việt Nam khoảng từ 250 - 300 năm. Nguồn gốc chính của người Hà Nhì di cư đến vùng đất Y Tý, huyện Bát Xát là từ các huyện Kim Bình, Lục Xuân… của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đại diện các dòng họ người Hà Nhì vẫn kể cho con cháu nghe về dòng họ của mình có nguồn gốc từ Trung Quốc, do những biến cố của lịch sử đã khiến cho tổ tiên của họ phải di cư đến các quốc gia khác để sinh sống và hiện nay mộ tổ của các dòng họ vẫn ở bên Trung Quốc. Tuy nhiên, do những quy định về vấn đề xuất, nhập cảnh giữa hai nước, nên người Hà Nhì cũng không còn thường xuyên đi viếng mộ tổ vào các dịp lễ lớn của dòng họ nữa, suốt bao đời nay họ đã coi Việt Nam là quê hương chính của mình.

Lễ báo thần đất

2. Giá trị hình thức đặt tên theo Phụ tử liên danh của người Hà Nhì

- Giá trị lịch sử:

Có thể nói, đối với dân tộc không có chữ viết riêng để ghi chép lại một cách có hệ thống các đời trong dòng họ của mình theo hình thức ghi gia phả, thì phương pháp đặt tên theo hình thức phụ tử liên danh chính là một cách “ghi gia phả” tốt nhất, hiệu quả nhất của dân tộc Hà Nhì. Những người chủ của các dòng họ, chủ gia đình đều có thể ghi nhớ gần như toàn bộ thứ tự các đời trong dòng họ, chi họ của mình và bắt đầu từ đời nào di cư đến các nước khác, vùng đất khác chỉ thông qua hình thức truyền khẩu. Thời gian để thực hiện việc truyền khẩu từ ông, bố sang các con trai trong mỗi gia đình đều được tiến hành vào đêm cuối cùng của năm âm lịch. Mỗi năm một lần, những người được truyền khẩu sẽ ghi nhớ bằng cách đọc theo, bằng cách vạch thứ tự các đời lên đất hoặc bằng đếm các hạng ngô… Chủ các gia đình chỉ đọc tên theo thứ tự khi làm lễ trước bàn thờ, mỗi lần đọc tên là một lần mời tổ tiên về dự lễ. Do đó, người Hà Nhì không tự tiện đọc tên tổ tiên trong ngôi nhà của họ.

- Giá trị về quan hệ huyết thống trong Phụ tử liên danh.

Người Hà Nhì cho rằng một cái cây, khi nó lớn sinh cành, đẻ nhánh và quay về các phương hướng khác nhau. Dòng họ của người Hà Nhì cũng vậy, mới đầu thì một ông tổ, sau đó sinh ra các thế hệ khác nhau, tạo lập thành các gia đình mới và cư trú ở những khu vực khác nhau, thậm chí là các quốc gia khác nhau, nhưng tổ tiên của họ thì họ không bao giờ thay đổi, không có tổ tiên thứ hai. Tuy nhiên, do không có chữ viết, nên không có sách để ghi lại gia phải của dòng họ. Do đó, để giúp họ nhận ra anh em cùng dòng họ, nhận ra được tổ tiên qua các đời, người Hà Nhì đã sáng tạo ra cách thức đặt tên độc đáo như vậy. Phụ tử liên danh được xem là cách đặt tên hết sức độc đáo, thể hiện rõ mối quan hệ huyết thống của những người trong cùng một dòng tộc, trong cùng một gia đình.

Lễ đón dâu

Có thể nói, cách đặt tên theo hình thức Phụ tử liên danh là một cách nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, là phương pháp giáo dục độc đáo của ông bà đối với con cháu người Hà Nhì. Đây được coi là một nét văn hóa điển hình được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Mặc dù bài viết chỉ mang tính giới thiệu bước đầu, chưa đầy đủ, nên việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phân tích gia phả của mỗi dòng họ là một việc làm quan trọng nhằm thấy rõ hơn nét đặc trưng trong văn hóa dân gian của dân tộc Hà Nhì nơi vùng cao biên giới.

 

Tài liệu tham khảo

1. Lộ Vĩ (1999). “Nội hàm văn hóa và hình thức kết cấu của chế độ phụ tử liên danh dân tộc Hà Nhì”. Báo cáo khoa học trường Đại học công nhân không chuyên thành phố Cá Cựu”, kỳ 3.

2. Mao Tá Toàn (1996). “Nguồn gốc lịch sử dân tộc Hà Nhì và hoạt động Nam thiên (thiên di về phương Nam) của nó”, Báo cáo khoa xã hội học trường chuyên nghiệp Ngọc Khê, kỳ 3.

3. Dương Lục Kim, Hứa Mẫn (2008). “Nghiên cứu nguồn gốc dân tộc Hà Nhì Việt Nam”, Báo cáo Viện Khoa học xã hội Vân Nam, kỳ số 6

4. Dương Tuấn Nghĩa (2010). “Nghiên cứu vấn đề bình đẳng giới của người Hà Nhì đen ở Lào Cai”. Luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ.

5. Dương Tuấn Nghĩa (2011), Tri thức dân gian và nghi lễ truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của người Hà Nhì Đen ở thôn Lao Chải (Lào Cai), Nxb Văn hóa dân tộc.

6. Tuấn Nghĩa (2014), Nghi lễ tang ma của người Hà Nhì ở Lào Cai, Nxb Văn hóa Thông tin.


[1] Nguyễn Văn Huy (1985), Văn hóa và nếp sống Hà Nhì – Lô Lô, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

[2] Viện Dân tộc học (2014), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) (tái bản có sửa chữa, bổ sung), Nxb Khoa học xã hội.

[3] Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Lào Cai năm 2009.


Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Lào Cai
0214 384 4820; 0216 385 2376
0904351468
vannghelaocai@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này