
Phù sa - Khúc tráng ca mùa xuân
Mỗi khi đứng trước ngã ba nơi sông Hồng cuồn cuộn phù sa, ầm ào sắc đỏ thao thiết chảy vào đôi bờ đất Việt là cảm xúc trong tôi cứ trào dâng. Sự hoà quyện giữa sắc hồng phù sa với dòng nước xanh biếc sông Nậm Thi thành màu say nồng miếng trầu tiền duyên ngàn kiếp nơi hội tụ linh thiêng trời đất. Cái thanh âm sóng nước lao xao bổng trầm ngân vang khúc tráng ca biên ải mùa xuân.
Mưa xuân phơi phới, cánh hoa đào lung linh say gió xuân. Sóng nước hân hoan rung lên giai điệu của dàn hợp xướng núi sông hội tụ, của mạch nguồn thiền duyên lúc thì thầm khi sục sôi, réo rắt, như kể chuyện hành trình lịch sử thác ghềnh trên con đường thiên lý để về đây dìu dặt vỗ đôi bờ Tổ quốc tôi. Từ đây sông chính thức đem mỡ màu đắp bồi dáng hình châu thổ để rạng rỡ ngàn năm nền văn hiến đất Việt.
Sớm xuân này lặng nghe sóng nước khúc tâm tình dội vào triền xanh thẳm, trong tôi bồi hồi xúc động chợt ngân lên khe khẽ câu thơ: “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu/ Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát/ Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác/ Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi” … - Trường ca “Mặt đường khát vọng” - Nguyễn Khoa Điềm. Câu thơ như thể gieo vào miền sóng nước những ân huệ về dòng phù sa dung dưỡng châu thổ.
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu”? Đã có bao câu hỏi tương tự khi đứng trước dòng nước thiết thao chảy kia. Đã có mấy ai ngọn nguồn lý giải trong bâng khuâng sóng nước. Khi sông Hồng “nhập tịch” về nước mình có cuộc giao hoan kỳ vĩ với dòng Nậm Thi tại cửa khẩu Quốc tế nơi thành phố biên cương Lào Cai. Cuộc giao hoan đấy không chỉ là dấu ấn về địa danh mà còn mang một ý nghĩa lớn lao của dòng chảy lịch sử của mấy ngàn năm dựng thành luỹ biên thuỳ, nuôi lớn chí bền một dân tộc anh hùng.
Đất nước mình dáng hình chữ S trải dài từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước, mấy ngàn năm trường tồn qua bão giông, giặc giã. Nơi đây hội tụ linh khí đất trời, kỳ hoa dị thảo, mảnh đất mang dáng cánh chim phượng hoàng khát khao vươn mình toả sáng trên biên cương phía Bắc. Nơi Sông Đầu Nguồn, Núi Tuyệt Đỉnh một địa danh hiếm có trên đất Việt ta. Những con người kiên cường đương đầu với mọi khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên, tự tin, tự cường trong xây dựng phát triển và giữ gìn bờ cõi cha ông. Những con người một nắng hai sương, vững chí bền gan làm cột mốc thiêng liêng phên giậu.
Dòng phù sa vượt trăm ngàn ghềnh thác về trước ngã ba sông này cúi đầu đặt nụ hôn lên vầng trán Đất Việt. Trong ngân nga giai điệu mùa xuân, tôi nao nao nhớ đến khúc tình ca lãng mạn đi cùng thời gian. Cố hình dung xem chỗ nào người nhạc sĩ tài hoa đã cùng cô gái bên sông chiều ấy? Giữa sắc chiều vàng rụm lá bay để trong ông cất lên giai điệu tình ca bất hủ: “Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ/ Cầu cao nghiêng dốc bên dòng sông sâu/ Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời/ Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa” … (Bên cầu biên giới - NS Phạm Duy). Lời ca tha thiết lãng mạn bổng trầm như đang dập dềnh, man mác sóng nước sông trôi. Ông từng tâm sự trong hồi ký: Tình khúc sáng tác vào năm 1947 khi cùng đoàn văn nghệ sĩ kháng chiến dừng lại nơi đây. Bài hát được cho là ca khúc hay khi ông cảm hứng về một cô gái Lào Cai. “Bên cầu biên giới” nghe nói có một thời bị chìm nổi lận đận do nhiều ý kiến trái chiều… mãi sau này tình khúc mới được cất vang lên giai điệu yêu thương để nhiều người mới biết về cây cầu biên giới Lào Cai.
Hình như mảnh đất linh thiêng dành cảm xúc cho bất kỳ ai khi đến đây, nhất là các văn nghệ sĩ. Những thăng hoa réo rắt theo dòng phù sa để nẩy chồi đơm lộc. Cũng bên cây cầu Cốc Lếu này nhà thơ Dương Soái toả sáng một tâm hồn người lính trong chiến tranh vệ quốc tháng 2 năm 1979. Bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc ca khúc nổi tiếng: “Anh ở biên cương/ nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Tháng hai mùa này con nước/ lắng phù sa in bóng đôi bờ/… Biết rằng em năm tháng ngóng chờ/ …Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong” … Mối tình người lính biên cương với người yêu nơi cuối dòng sông đã cất thành giai điệu. Lời thơ gợi mở trong quá khứ và cả trong thời hội nhập khiến biết bao trái tim bồi hồi tìm về nơi cha ông ta xưa, về nơi thành phố biên cương để tận mắt, tận tay vớt làn nước mịn phù sa đầu nguồn, lắng nghe lao xao tình ca trên sóng nước.
Sông bắt nguồn từ đâu nhỉ? Câu hỏi làm tôi nhớ câu chuyện bên nước Tàu có ông Trương Khiên theo lệnh Vũ Hán Đế đi ngược phía Tây tìm ngọn nguồn dòng sông Hoàng Hà, con sông lớn nhất Trung Quốc. Đi mãi đi mãi, chục năm sau Trương Khiên càng thấy mịt mờ sương khói, càng thấy sông quanh co, ghềnh thác, hiểm nguy. Ngao ngán, chùn bước đành quay về bẩm báo nhà vua “Sông khởi nguồn từ trời”. Sau này nhà thơ Lý Bạch đã theo ý ấy phóng bút bài “Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai” (Nước sông Hoàng Hà chảy từ trời xuống). Thì có sao đâu, cả một dải trập trùng mờ mịt của dải Hy Mã Lạp Sơn trùm kín băng tuyết, đất trời hoà làm một, vòng quay của tạo hoá. Một điều khẳng định rằng, tất cả các dòng sông đều có mạch nguồn từ sương gió các dãy núi cao. Vậy “Chi thuỷ thiên thượng lai” cũng nào có sai!
Quay lại nơi dòng sông giao duyên chảy vào lòng thành phố Lào Cai hân hoan câu hát phù sa, vấn vít mai đào đua nở, sông dâng bầu sữa ngọt ngào tưới đôi bờ nuôi dưỡng vạn vật sinh sôi. Nhìn hình sông thế núi ta càng cảm nhận được sự rạch ròi “định phận tại thiên thư”. Tổ quốc từ ngã ba sông này, hình dáng châu thổ hiên ngang mấy ngàn năm vắt ngang trời đất từ dòng phù sa này, trống đồng âm vang, lừng lẫy bạt vía quân thù cũng từ đây. Hồng hạc linh thiêng trắng trời ngã ba Bạch Hạc từ đây. Bánh chưng, bánh giầy dâng vua Hùng dựng cơ đồ từ đây. Mớ ba mớ bẩy lúng lính hát xoan, hát ghẹo, liền anh, liền chị cũng từ đây… Từ mạch nguồn phù sa lích rích triệu năm đắp bồi nên Tổ Quốc. Sông hát lời mùa xuân thì thầm. Sông dâng lời non nước hào hùng, dâng ngọt ngào, xoá đắng cay, lam lũ, sông nhấn chìm những mầm ác lăm le. Lời mùa xuân khát vọng vươn mình.
Dòng sông là cương vực phân chia đôi bờ ta bạn, phân chia phong tục, thổ ngữ, phân chia sóng nước dập dồn. Đứng đây tôi lâng lâng cảm xúc nơi biên ải quê hương, nơi máu xương bao thế hệ tổ tiên đắp đổi, giữ gìn. Trong cảm xúc lâng lâng xin được cúi đầu bái tạ tổ tông. Ôi quá khứ hào hùng, hiện tại quang vinh và tương lai vạm vỡ dòng chảy mênh mang. Khát vọng trong tôi dâng trào như sóng nước phù sa:
“Tôi nguyện là chiếc lá/ làm con thuyền lặng lẽ chở trôi/ Dòng nước đỏ/ Dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi Tổ quốc tôi/ Phù sa ơi, dâng bát cơm đầy/ Tháng ba sấm gọi/ Tháng bẩy bão giông/ Lũ dữ dằn Thuỷ Tinh nghênh chiến/ Thánh Tản hộ mệnh núi Tản Viên/… Dâng dâng vạn tạ bái biên cương này/ Vạn lời cầu nguyện linh những hồn bất tử/ Thuyền lá nhẹ trôi/ Hồn siêu sóng nước chòng chành/ Hồn bay tà tà gió mây/ Đã mấy mươi kiếp luân hồi rồi nhỉ?/ Mấy mươi kiếp nếm mật nằm sương/ Biên cương/ Mấy nghìn năm duyên phận/ Đất Mẹ cong cong đòn gánh dãi dầu/ Tổ quốc vẹn nguyên tấc ly phân định/ Từ dải lụa Hồng bay ngang trời đất/ Bấm vào đất Việt/ Bản hợp xướng âm vang/ Sông Hồng ngân tráng ca mùa xuân/ Từ Hoàng Liên Sơn chất ngất/ Chảy về ngã dòng sông bất diệt/ Khát vọng truyền đời nối dõi/ Đất nước bừng lên từ đây/ Giang sơn gấm vóc từ đây/ Huyền thoại dòng phù sa/ ghi dấu biên thuỳ.” (Trích trường ca “Trước ngã ba sông” - Công Thế).
Tha thiết sông ơi! Cho tôi gửi tâm tình về châu thổ, dạt dào sóng nước về cửa bể Ba Lạt mênh mông. Rằng những hạt phù sa li ti lích rích bào mòn từ ruột núi Hoàng Liên, từ Y Tý mênh mang rừng già, từ Sàng Ma Sáo, Ngũ Chỉ Sơn chất ngất gió sương, hoà vào biển Đông lắng bồi rộng dài châu thổ.
Tha thiết sông ơi! Khi gió giông, bão tố, lở bồi, quặn thắt đau thương. Bao phen tao loạn, rừng động sóng xô. Sông cũng bao phen dựng thác ghềnh chắn che cương thổ. Qua cơn sóng cả, lại yên bình sau trước. Khép lại quá khứ, mở rộng tương lai, cùng tôn trọng chủ quyền cho trong ấm ngoài êm, dựng xây cộng đồng thời hội nhập. Hãy cùng nhau ươm những hạt giống thiện lương trong mỗi trái tim. Màu xanh hy vọng sẽ nẩy chồi, toả ngát yêu thương trong mỗi chúng ta.
Đào mai đã tưng bừng trảy hội. Tôi lặng lẽ đứng trước ngã ba sông giữa hương xuân nồng nàn, cảm nhận được hương thơm ngai ngái đất phù sa. Trời đất cũng như lòng người háo hức khi tết đến xuân về. Mùa xuân biên giới muôn năm vẫn đẹp, vẻ đẹp mộc mạc hồn nhiên. Trong bản hợp xướng mùa xuân có thanh âm ngân lên từ sóng nước sông Hồng. Dòng sông như nhắc ta tìm bản thể của chân thiện mỹ. Và em ơi hãy cùng anh dạo trên phố hoa xuân đang dập dìu. Bên sông hạt nắng đang vương trên sóng, êm đềm thanh lọc, rác rểu trôi đi phù sa lắng lại. Cuộc đời sẽ thấm được chiều sâu nhân thế, để đủ bản lĩnh đi tiếp sóng gió cuộc đời. Dòng sông như lòng mẹ luôn hết mình dâng hiến, nuôi rộng dài bờ bãi và cũng rất bao dung nhận hết về bão giông, thứ tha hết thảy lỗi lầm.
Bên sông chiều nay tôi và em dạo dọc phố hoa, lắng sâu tâm hồn nồng nàn xuân. Chợt vẳng lên lời ca: “Lào Cai quê mình/ Nơi những dòng sông giao duyên/ Một vạt nắng cũng lung linh huyền thoại/ Trong tim mình khát vọng như lửa cháy…”, giai điệu da diết làm sao, trào dâng khát vọng những trái tim rực lửa hiến dâng từ ngã ba sông này. Dòng sông mờ ảo sương khói, bãi cát duỗi dài. Bên sông bóng thiếu nữ xao động giữa vườn đào vương sắc, hạt nắng bừng lên.
Tôi đã đi trăm miền đất nước, gặp trăm nhánh sông quê, nhưng chưa nơi đâu trầm tích lắng sâu từ dòng phù sa nơi khởi nguồn một nền văn minh rực rỡ - Ơi sông Hồng!...
C.T
Từ khóa :
Quay lạiXem tin nổi bật
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...