Nhà văn Mã A Lềnh với Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc

Trần Phượng Trinh

08:05 - 02/05/2024

Nhà văn Mã A Lềnh (10/3/1943-21/2/2024), dân tộc Hmông, quê Mường Tiên, xã Trung Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tác phẩm chính: Cột mốc giữa lòng sông; Dấu chân trên đường; Cây khèn ngựa trắng; Chuyện xưa ở Mường Tiên; Tục ngữ câu đố Hmông; Nét đẹp trong ẩm thực truyền thống của người Hmông, Kruôz cêr - Răn đường; Lào Cai những khúc đường; Sự tích chim câu kỷ zàng... Hơn 50 tác phẩm của ông đã xuất bản có nhiều tác phẩm được in tại Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Trong đó tác phẩm Tiếp cận văn hóa Hmông, Nxb. Văn hóa dân tộc (2014), giải A Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam là công trình ông dành nhiều thời gian và tâm huyết với văn hóa tộc người mình, với quê hương xứ sở Mường Tiên yêu dấu.

Các biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc những năm 1990 trở về trước đều rất quen thuộc với tác giả Mã A Lềnh - Nhà văn dân tộc Hmông.

Chúng tôi thuộc thế hệ sau nên chỉ được biết đến nhà văn qua lời kể của các anh chị lớp trước - Đó là một tác giả làm việc nghiêm túc, cẩn thận và chỉn chu trong từng con chữ.

     Tôi là người may mắn được biên tập một trong những tác phẩm đồ sộ của ông - Tác phẩm Tiếp cận văn hóa Hmông (khuôn khổ 14,5 x 20,5cm, dung lượng 672 trang). Thú thật ngày ấy, khi cầm tập bản thảo đồ sộ 4 tệp dày in trên khổ giấy A4 do tác giả tự tay đưa đến, tôi không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu. Tên bản thảo lúc đầu là “Văn hóa Hmôngz - những nét đặc trưng”. Sau khi đọc một lượt, anh Lưu Xuân Lý, lúc đó là Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản đã gợi ý tác giả chỉnh lại tên sách là Tiếp cận văn hóa Hmông để phù hợp hơn với nội dung cuốn sách cũng như cách thể hiện của tác giả.

      Về bản thảo Tiếp cận văn hóa Hmông của nhà văn Mã A Lềnh, mặc dù thuộc thể loại nghiên cứu về văn hóa tộc người nhưng cách thể hiện của tác giả phải nói là hoàn toàn khác với cách thể hiện của các bản thảo cùng thể loại mà từ trước chúng tôi vẫn thường biên tập. Nghĩa là nhà văn Mã A Lềnh không trình bày các mục phần theo “fom” các nhà nghiên cứu thường vẫn làm (đó là nội dung sách sẽ bắt đầu bằng các mục phần lớn: Điều kiện tự nhiên; Nguồn gốc tộc người; Hình thái kinh tế; Tôn giáo, tín ngưỡng; Văn hóa vật chất; Văn hóa tinh thần…). Theo tôi cảm nhận thì đó là các tiếp cận của người đứng bên ngoài quan sát.

      Đối với nhà văn Mã A Lềnh, ông có cách tiếp cận khác (cách nhìn của người trong cuộc), điều mà chỉ những người đã từng được nuôi dưỡng, được hàng ngày hàng giờ tắm mình trong môi trường văn hóa tộc người mình và ngày đêm luôn trăn trở, suy nghĩ về nó mới có được (Ví dụ: Từ những câu chuyện nghe được từ người bà, người mẹ kể lại; rồi từ những lời ăn tiếng nói hàng ngày của đồng bào; hay từ những điều mục sở thị, mắt thấy tai nghe… tác giả khái quát nên bức tranh văn hóa dân tộc Hmông đầy bản sắc - Đây chính là sự khác biệt làm nên sức hấp dẫn của cuốn sách).

       Là thể loại nghiên cứu, nhưng bản thảo không chia chương mục như cách làm truyền thống; tác giả đã dẫn dắt người đọc từ câu chuyện này đến câu chuyện khác bằng vốn kiến thức văn hóa tộc người cùng sự trải nghiệm của bản thân, xen lẫn những lý giải, nhận xét, kết luận mang “bản sắc Mã A Lềnh”. Vì vậy tác phẩm không cứng nhắc, khô khan mà rất thuyết phục, hấp dẫn người đọc khám phá từng nét văn hóa Hmông. Mặc dù mục đích chính của cuốn sách là nghiên cứu văn hóa tộc người Hmông, nhưng tác giả đã dành 150 trang (gần ¼ dung lượng) nói về người Hmông trong xây dựng và bảo bệ Tổ quốc - điều này thể hiện trách nhiệm của đồng bào đối với vận mệnh của đất nước, đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc…

      Với mỗi chương sách, ông đặt những cái tên rất gợi, vừa mềm mại, vừa uyển chuyển rất “văn học” của một nhà văn nhưng lại không xa rời mục đích nghiên cứu của một học giả (Ví dụ: Khi nói về nguồn gốc tộc người Hmông, ông đặt tựa là “Vài nét về lịch sử tộc người qua tài liệu và truyền thuyết”; hoặc khi nói về chợ ông đặt một tựa rất gợi “ Chợ - Nơi giao lưu văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao; hay khi nói về tục sinh đẻ trong nghi lễ vòng đời người, ông đặt tựa “Thêm một sinh linh là thêm một thành viên trong cộng đồng”…). Đây có lẽ là ưu thế của người vừa viết văn vừa làm nghiên cứu.

      Tất nhiên trong quá trình thực hiện chúng tôi vẫn tuân thủ những quy định về nghiệp vụ nhưng có sự kết hợp hài hòa với “phong cách” của tác giả, nên sau khi biên tập lần đầu, trao đổi với tác giả, tôi nhận được lời động viên từ ông: “Mình rất tin tưởng khi trao gửi “đứa con cưng” sau 15 năm thai nghén cho Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.

     Tiếp cận văn hóa HMông là cuốn sách nhà văn Mã A Lềnh đã dày công nghiên cứu 15 năm

  (Xin mượn bài viết này để chia sẻ thêm một chút về nghiệp vụ biên tập sách: Quan sát bên ngoài, nhiều người tưởng đây là một công việc nhàn hạ, biên tập viên chỉ cần sửa lỗi đánh máy, diễn đạt, lỗi chính tả, lỗi câu… Thật sự không phải như vậy. Trong quá trình biên tập bản thảo, biên tập viên phải thỏa mãn yêu cầu của độc giả, nhưng không được làm ảnh hưởng đến tinh thần tác phẩm mà tác giả muốn chuyển tải. Muốn làm được điều này thì biên tập viên và tác giả phải đặt niềm tin vào nhau). Và đối với cuốn sách này, mặc dù nhà văn Mã A Lềnh là người rất “kỹ tính” nhưng biên tập viên và tác giả đã gặp được nhau ở “điểm chung” ấy, nên sau khi biên tập xong tôi thực sự rất vui…

      Ấn tượng nhất đối với tôi là khi được nghe ông chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. Trong tôi lúc đó ông không phải là nhà văn người Hmông - Mã A Lềnh đáng kính mà là hình ảnh một cậu bé Hmông đi rong trâu và lời dặn giản dị của người cha: “Có bát cơm trên tay con đừng đánh đổ”. Bát cơm ở đây là tri thức tộc người, tri thức dân gian, tri thức tiến bộ của nhân loại. Đặt trong bối cảnh này, đây không chỉ là lời dặn của người cha dành riêng cho tác giả mà là lời dặn của tiền nhân đối với tất cả chúng ta.

      Khi ông nói: “Tôi viết những trang sách này bằng cả trái tim mình để tưởng nhớ những bậc tiền bối, để tri ân những người đã cho tôi từ bát cơm, chén rượu, những lời nói về tri thức bản địa, tri thức dân gian và tân tiến, rồi cả những câu chuyện tầm phào mà trong đó tôi gom được điều có ích…” thì tôi thật sự cảm phục sự phấn đấu vươn lên của nhà văn - Người con dân tộc Hmông - Mã A Lềnh.

       Phải nói rằng, khi biên tập cuốn sách này, tôi thấy mình được củng cố thêm rất nhiều kiến thức thực tế giúp cho công việc chuyên môn của mình. Có những phong tục mà trước đây khi nghe qua người này người kia kể, hoặc đọc vu vơ đâu đó theo suy luận võ đoán thì thấy nó là hủ tục… Nhưng khi được đọc những trang viết của chính người con của đồng bào viết ra, cùng những nhận xét, phân tích xác đáng thì đó là những phong tục mang đậm nét nhân văn.

     Có thể nói,Tiếp cận văn hóa Hmôngcủa nhà văn Mã A Lềnh được tác giả thai nghén trong 15 năm là những trải nghiệm từ chính cuộc đời ông và là một cuốn sách rất đáng được trân trọng và rất đáng đọc. Hôm nay khi ông đã từ biệt chúng ta về với tổ tiên không biết ai sẽ là người vinh dự được làm Dở mủ (zơưv muv) đọc cho ông nghe 37 khúc (đoạn) trong bài ca Kruôz cêr - Răn đường tiễn đưa ông mà sinh thời ông đã dày công ghi lại để văn hóa Hmông không bị đứt gãy. Tôi viết những dòng này coi đây là nén tâm hương của các thế hệ biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc nhớ về ông, nhớ về người con dân tộc Hmông - Nhà văn Mã A Lềnh đáng kính.

##Văn học
##Mã A Lềnh
##Nhà văn Mã A Lềnh
##Văn nghệ Lào Cai

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai
Địa chỉ:
581, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
0214 384 4820
vannghelaocai@gmail.com
tapchiphansipanglc@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này