
Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Hmông đen
Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, thị xã Sa Pa được mệnh danh là xứ sở sương mù, một khu du lịch Quốc gia nổi tiếng. Nơi đây với mây trời gió núi hòa quyện, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, bốn mùa hoa trái làm say đắm lòng người. Vẻ đẹp mộng mị của Sa Pa còn được kết hợp với sức sáng tạo của con người, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng đất thơ mộng, hấp dẫn. Con người ở đây sống với mây, hoà trong mây, lãng đãng thả hồn mình lúc bí ẩn, nhạt nhòa, lúc quang tỏa, quyện quấn cùng mây. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên ưu đãi ban tặng mà họ còn là chủ thể nắm giữ tri thức bản địa trong canh tác nông nghiệp và nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống của người Hmông, người Dao, người Xá Phó, người Tày… Tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu thổ cẩm vùng cao Tây Bắc.
Nghề dệt vải lanh và làm thổ cẩm cũng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của người Hmông nơi đây. Bất cứ người phụ nữ Hmông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết se lanh thành sợi để dệt vải, phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của gia đình. Trên khắp mọi nẻo đường chúng ta luôn bắt gặp những người phụ nữ Hmông tranh thủ tước và nối các sợi lanh. Cứ thế, từ đời này sang đời khác, người Hmông tự trồng lanh, dệt vải, thêu thổ cẩm và biến mình thành một trong những tộc người có đôi bàn tay khéo léo nhất. Trồng lanh lấy sợi, dệt vải là công việc bất cứ người phụ nữ Hmông nào cũng làm thuần thục, cây lanh sau khi thu hoạch về được phơi nắng 3 đến 4 ngày, tước vỏ và trải qua nhiều công đoạn, giã, nối sợi, mới có thể tạo nên được sợi lanh hoàn chỉnh. Vỏ cây lanh được tước ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Đây là việc làm đòi hỏi nghệ thuật nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại.
Cây lanh sau khi phơi khô sẽ mang về tước vỏ
Bước tiếp theo, người ta mắc các sợi lanh vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn, sau đó đem cuộn sợi này luộc trong nước tro, khi giặt sạch nước tro thì sợi lanh sẽ có màu trắng. Khi sợi đã được chuẩn bị xong việc dệt vải sẽ được bắt đầu. Phụ nữ người Hmông vẫn sử dụng khung dệt truyền thống được đạp bằng chân và điều khiển bằng tay, còn gọi là khung cửi đai lưng vì được buộc vào đai lưng của người phụ nữ. Với loại khung cửi truyền thống này, sự khéo léo của người thợ được thể hiện ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đôi tay, bàn chân và lưng của họ, đặc biệt khi dệt phải không để gió lùa vào. Bị gió lùa sẽ khiến sợi lanh bị khô, khi dệt sợi sẽ không được bện chặt, không khít lại được với nhau.
Trang phục của người Hmông đen ở Sa Pa là sản phẩm văn hóa tộc người. Nếu như người Tày, người Thái, người Xá Phó hay một số dân tộc khác thường dùng sợi bông để dệt vải thì người Hmông đen ở Sa Pa họ dùng sợi cây lanh là nguyên liệu chính để làm ra trang phục. Có thể sợi cây lanh không mềm mại như cây bông nhưng nó giúp con người thích hợp với môi trường sống nơi đây, tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng biệt.
Nhuộm chàm là công đoạn cực kỳ sáng tạo của người Hmông đen, chàm cắt về đem vò nát để ngâm vào nước. Thứ nước cốt đó được đổ vào thùng gỗ thông, qua một lớp tro bếp để trong bao tải rồi pha thêm nước ngâm khoảng một tuần. Theo kinh nghiệm của đồng bào phải có tro bếp thì chàm mới giữ màu được lâu không phai. Một tấm vải được nhuộm từ 3 đến 4 ngày mới có màu chàm đậm.
Phơi vải sau khi đã được nhuộm chàm
Phân loại trang phục gồm có trang phục nam, nữ, trang phục trẻ em, người già, trang phục ngày thường, ngày lễ, đặc biệt là trang phục cưới, trang phục tang.
Trang phục phụ nữ gồm có: khăn, áo trong, áo ngoài, quần, xà cạp, túi đeo. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương, trang phục phụ nữ có những điểm khác biệt. Phụ nữ Hmông đen ở Sa Pa quấn khăn thành vòng tròn lớn trên đầu, trên khăn ít trang trí hoa văn. Áo trang trí ở phần ống tay những khoanh vải màu, quần ống rộng, ngắn. Trang phục của họ chủ yếu là màu chàm sẫm.
Người Hmông đen ở Sa Pa có kỹ thuật thêu khá tỉ mỉ và rất giỏi trong việc trang trí bằng cách chắp vải màu, in hoa văn bằng sáp ong trên vải để lấy họa tiết màu trắng trên nền màu chàm. Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, thắt lưng, cổ áo, tay áo, vai áo và váy. Trên cổ áo người Hmông đen Sa Pa xuất hiện nhiều kiểu hoa văn hình học bằng kỹ thuật ghép vải, thông thường mỗi hoa văn được tạo từ hai đến ba màu vải. Các đường nét hoa văn nhỏ xuất hiện trên đồ án, đường diềm của mảng hoa văn ở tay áo, vai áo được ghép khá tỉ mỉ thường có gam màu nóng làm diềm nhỏ từ 0,5 đến 1cm được viền xung quanh ghép vào vải nền tạo thành đường viền của họa tiết hoa văn chính. Sau khi hoàn thiện đồ án trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh áo, quần và váy.
Phụ nữ người Mông đen Sa Pa
Đánh giá tổng thể bộ trang phục nữ, nhìn từ trên xuống vị trí được trang trí hoa văn nhiều nhất là vùng cổ áo, ống tay áo và thắt lưng. Phụ nữ người Hmông đen thành thạo kỹ năng sử dụng màu sắc đạt đến trình độ nhất định, các gam màu nóng, lạnh, sáng, tối, xanh, đỏ, trắng, đen… tạo nên sắc màu đa dạng trên nền vải màu chàm đen truyền thống.
Ngoài kỹ thuật thêu bằng chỉ màu thì nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong là một trong những kỹ thuật tạo hoa văn độc đáo nhất của người Hmông đen, thường do những người lớn tuổi trong bản đảm nhiệm. Nguyên liệu chính là sáp ong và nến được đun chảy trên than nóng. Để in sáp ong, họ sử dụng 3 loại bút vẽ (loại bút có lưỡi bằng đồng) có kích cỡ khác nhau: loại nét nhỏ dùng vẽ tỉa hình hoa lá, loại nét to vẽ đường thẳng, đường diềm, loại bút dùng vẽ hình tròn, hoa văn hình con ốc, hình quả trám... Khi sáp ong đông đặc lại như sáp nến, họ bắt đầu mang đi nhuộm chàm nhiều lần. Tấm vải với họa tiết hoa văn độc đáo sẽ được phơi khô. Cuối cùng, người ta đem luộc tấm vải đó với nước sôi, sáp ong gặp nhiệt độ cao sẽ tan ra, để lộ các đường trắng của vải. Sản phẩm hoàn thiện tạo thành hoa văn trên nền chàm xanh. Những mảnh vải đó sẽ được dùng làm áo hoặc váy với những hoa văn vô cùng độc đáo.
Nghề dệt vải, thêu thổ cẩm là thước đo giá trị của người phụ nữ, tập quán của người Hmông đen ở Sa Pa luôn đánh giá vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu thùa, qua trang phục của họ. Trang trí trên trang phục là một loại hình nghệ thuật dân gian của người Hmông mà người phụ nữ là tác giả của nghệ thuật trang trí trên trang phục đó, cả cuộc đời họ gắn bó với công việc thêu, dệt vải và in hoa văn. Nhìn chung hoa văn của họ khá đa dạng, phần nào tái hiện được cuộc sống xung quanh, thể hiện cảm xúc thẩm mỹ tộc người, nó mang một ý nghĩa xã hội nhất định. Ngoài ra vải lanh và những hoa văn họa tiết thổ cẩm của người Hmông đen còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Hmông. Họ quan niệm rằng sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên và đầu thai lại với con cháu.
Hoa văn thổ cẩm người Hmông đen ở Sa Pa còn lưu giữ được những nét cổ. Những hoa văn thêu ở cổ áo hoặc thắt lưng phía sau hay là trên trang phục mà người Hmông đen mặc trước khi về với tổ tiên, nhất là váy thì bao giờ cũng có nhiều hoa văn, có nhiều nét mô tả rất giống với hoa văn của trống đồng, đó là hoa văn ngôi sao 8 cánh, hoa văn chữ S nằm ngang…
Truyền dạy nghề cho lớp trẻ
Có thể nói trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Lào Cai nói chung và của người Hmông ở Sa Pa nói riêng là sản phẩm văn hóa tộc người. Các sản phẩm tạo ra không những được coi là một thứ của cải quý mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống. Nghiên cứu về trang phục của họ giúp chúng ta thấy được trình độ phát triển, đặc điểm đời sống vật chất. Trang phục riêng của từng dân tộc, sống trong những hoàn cảnh khác nhau nên có những đặc điểm khác nhau, sự khác nhau đó không phải ngẫu nhiên mà chính bởi hoàn cảnh, môi trường sống, tâm lý cũng như phong tục tập quán và trình độ phát triển lịch sử của dân tộc. Nghệ thuật làm trang phục của người Hmông đen ở thị xã Sa Pa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia, năm 2023.
D.T
Từ khóa :
Quay lạiXem tin nổi bật
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...