Nghệ thuật múa xoè của người Tày Tả Chải

An Nhiên

09:06 - 12/06/2024

Dân tộc Tày ở Lào Cai là một dân tộc có nền văn hóa mang dấu ấn riêng rất đặc sắc. Cùng với các tín ngưỡng, phong tục tập quán, những kinh nghiệm trong sản xuất và sinh hoạt... người Tày còn có một di sản văn hóa đặc sắc mang đậm nét văn hoá tộc người trong đó phải kể đến nghệ thuật múa của người Tày Tà Chải. Múa của người Tày ở Tả Chải, Bắc Hà không chỉ dừng lại đơn thuần là món ăn tinh thần truyền thống bao đời của đồng bào nơi đây, mà còn là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc có bề dày văn hóa.

Đã từ lâu xã Tả Chải, huyện Bắc Hà được biết đến là vùng quê giàu truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật là văn hóa dân tộc Tày, nhất là văn hóa lễ hội với hội xòe, lễ hội Lồng Tồng, hội cốm, hội đua ngựa… đặc sắc hấp dẫn mang đậm nét văn hóa dân tộc với sự độc đáo, tinh tế. Nghệ thuật Xòe (The) của người Tày ở Tả Chải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2014.

Theo một số nghệ nhân xoè người Tày ở các xã Tả Chải thì người Tày nơi đây có 12 điệu xòe; gồm 6 điệu xòe trống chiêng: Pa nhăm pa (Bước dẫm bước), The hiếng hua (Nghiêng đầu vai), Tặp lăng (Đập lưng), Nhăm pa (Dẫm bước), Rộp bưng (Dậm sàn), Phật khẩu (Đập lúa) và 6 điệu xòe kèn trống, đó là: The tối (Xoè đôi), The xí căn (Xoè bốn người), The mò pi-a (Xoè mò cá), The khăn (Xoè khăn), The chúp (Xoè nón), The cơ (Xoè cờ).

Các chàng trai cô gái cùng nhau tay trong tay với điệu xoè truyền thống.

1. Nghệ thuật múa của người Tày xã Tả Chải

Người Tày rất trân trọng và nâng niu cái đẹp, luôn muốn được thể hiện cái hay, cái đẹp mà cộng đồng mình có. Đây cũng là tư chất để hình thành nên màu sắc trong các điệu múa độc đáo và các loại hình nghệ thuật mang màu sắc riêng của người Tày.

Mỗi điệu xòe cụ thể đều bắt nguồn từ một hoạt động nhằm giải đáp hay thỏa mãn một yêu cầu nào đó trong đời sống vật chất và con người. Bằng chứng ở hai trong số những điệu xòe gốc là The phật khẩu (xòe đập lúa) gắn bó chặt chẽ với hoạt động thu hoạch lúa của người Tày; điệu The mò pi-a (xoè mò cá) lại gắn liền với hoạt động bắt cá bằng tay của cư dân người Tày nơi đây ở con suối Na Cồ hiền hòa, quanh năm yên ả. Nó làm cho người Tày nơi đây cảm nhận từ điệu xòe ấy hương sắc quê hương mình, cái đẹp của quê hương mình.

Chủ thể sáng tạo, trình diễn và tiếp nhận nghệ thuật xòe Tày Tả Chải là các thế hệ những người nông dân của cộng đồng. Nghệ thuật xòe Tày Tả Chải được ghi nhớ trong trí nhớ của con người và được truyền dạy theo phương pháp trực tiếp. Mỗi điệu múa bao gồm những chặng, những động tác bắt buộc. Nhưng những chặng, những động tác đó được biểu diễn trong từng dịp lại có chút khác biệt về tầm đưa, độ uốn… chứ không hoàn toàn giống nhau. Tùy theo trình độ hiểu biết, năng lực thể hiện và đặc biệt là cảm xúc tại chỗ, những người tham gia múa sẽ thể hiện nó mỗi lần mỗi khác, mỗi người mỗi khác, miễn là vẫn tuân theo mô hình chung.

2. Nghệ thuật múa trong ngày hội và múa trong môi trường lao động sản xuất sinh hoạt

2.1. Nghệ thuật múa trong ngày lễ, hội

Múa xòe trong lễ hội Lồng Tồng: Để đánh dấu những thời vụ quan trọng, người nông dân Tày Tả Chải đã tổ chức lễ hội Lồng Tồng vào dịp đầu năm (Rằm tháng Giêng âm lịch). Ngày hội Lồng Tồng, dân xòe rất đông, địa điểm tổ chức trên bãi đất rộng được chọn làm bãi xòe của hội. Mọi người nắm tay nhau thành vòng tròn múa quanh đống lửa theo nhịp chiêng trống. Động tác xòe chỉ gồm một bước nhảy thường với đội hình vòng tròn đơn giản. Nếu đông người thì múa thành hai vòng tròn, vòng trong nhỏ và vòng ngoài lớn. Hai vòng xoay ngược chiều nhau. Tay nắm tay, vai kề vai, chân người nọ dịch bước theo chân người kia trong không khí tình cảm say sưa ấm áp của đêm xòe. Khách chưa quen chỉ việc đứng ngoài vòng nhìn một hai lần là có thể tham gia Xòe ngay được.

Nhịp xòe của người Tày ở Tả Chải nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng đôi khi do không khí cuộc vui thôi thúc nên mọi người vỗ tay nhảy hú lên náo nhiệt. Đội hình xòe đôi lúc dàn hàng ngang hoặc hình bán nguyệt chứ không nhất thiết là vòng tròn. Chẳng những nam nữ thanh niên Tày yêu thích xòe mà các cụ già cũng hào hứng tham gia.

Trong sân xòe, bên cạnh vòng tròn lớn còn có thể thấy những đôi nam nữ thanh niên tách ra để xòe riêng đó là xòe đôi (The tối) và xòe cụm, thường là xoè 4 người (The xí căn). Mỗi cuộc xòe thường kéo dài đến nửa đêm, có khi tới sáng mà mọi người vẫn say sưa không ai bỏ cuộc. Không khí xòe càng về khuya càng sôi nổi, mạnh mẽ. Mặt nhìn mặt, tay nắm tay ai cũng cũng say mê với nguồn vui thu nhận được từ trong ánh mắt, nụ cười và từ đôi bàn tay ấm áp thân tình.

Nhạc cụ dùng để đệm trong xòe vòng thường có: 1 chiếc trống, 3 chiếc chiêng, 1 – 2 đôi chũm chọe. Nhiều điệu xoè còn có cả tính tẩu và pí lè tấu nhạc phụ hoạ. Giai điệu và tiết tấu âm nhạc đơn giản, câu nhạc ngắn, lặp đi lặp lại nhưng có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

Múa xòe trong lễ cưới, mừng nhà mới: Những cuộc vui lớn, những sự kiện trọng đại của đời người như dựng nhà mới, tổ chức đám cưới... đều không thể vắng xòe. Các nghệ nhân dạo những nhịp trống, nhịp chiêng, mạnh mẽ, chính xác. Các cô gái Tày rạng rỡ trong trang phục truyền thống, vòng cổ bạc lấp lánh, khăn tím vấn đầu, dải lụa điệu đà quàng qua vai từ trong nhà bước ra múa các điệu xòe truyền thống: xòe chào khách, xòe khăn (the khăn), xòe bắt cá (pi ả), xòe cờ (the cơ), xòe chiêng (pa nhăm pa), xòe đôi, xòe bốn, xòe vòng, xòe đập lúa (phặt khẩu).... trước đây, đồng bào hay có xòe then.

Múa xòe trong lễ hội cốm: Hội cốm - là một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, một nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Tày ở Bắc Hà. Trong lễ hội cốm thường tổ chức các điệu múa xòe truyền thống cùng với đạo cụ liềm, mẹt, nia, cối giã… nhạc cụ đệm cho điệu múa chính là sáo và đàn, với đội múa 10 người, họ đeo gùi lên vai đi gặt lúa bỏ vào gùi xong về người giã, người rang, người sàng, người sảy, các điệu múa đều mô tả lại quá trình từ khi gặt lúa cho đến khi thành hạt cốm. Các điệu múa mang ý nghĩa về một mùa lúa, mùa nương đã qua với bao vất vả, nhưng mang lại sự no ấm cho bà con người dân tộc Tày ở Bắc Hà.

Người Tày còn múa trong các nghi lễ Then: Xoè Then của người Tày ở Tả Chải thường không theo một bố cục, kết cấu nhất định nào cả. Thường người xoè họa theo thầy Then nhưng cũng có thể tùy hứng sáng tạo mở rộng hoặc thu hẹp động tác và tuyến múa. Điệu xoè lúc xoè 1 - 2 người, nhưng có khi múa tập thể đồng đều hoặc múa đuổi theo nhau. Trong nhiều trường hợp, xoè Then cũng có đội hình, khi đó, điệu xoè Then thường có diễn biến là xoè khăn được đan xen hòa cùng với xòe vòng. Xoè khăn thiêng ở trong, xòe vòng ở ngoài.

2.2. Múa trong môi trường lao động sản xuất và sinh hoạt

Từ hoạt động sản xuất, người Tày đã sáng tạo ra những động tác múa, những điệu múa phản ánh về lao động. Từ những thao tác lao động, kỹ năng lao động phát triển, con người đã biến hóa, cách điệu thành những động tác múa mang tính nghệ thuật, có tính thẩm mỹ. Những động tác múa, những điệu múa ấy gắn bó với đời sống lao động và sinh hoạt của con người, gắn bó với môi trường lao động, phương thức lao động và công cụ lao động.

Người Tày ở Tả Chải, Bắc Hà có 12 điệu múa, gồm 6 điệu xòe có nhạc đệm trống, chiêng và 6 điệu xòe nhạc đệm kèn, trống. Người già ở Tả Chải vẫn thường bảo con cháu rằng: “Không thạo các điệu xòe cổ thì không xòe đúng và đẹp các điệu xòe khác”. Trong các kiểu xòe thì điệu xòe vòng là thông dụng nhất, giữa không khí se lạnh của núi rừng, ánh lửa bập bùng như càng gắn kết mọi người lại, làm cho lòng người lại rạo rực, phấn chấn hơn. Trong phút thăng hoa của vũ điệu truyền thống, sự rụt rè, ngượng ngập thường ngày biến mất, mọi người tự nhiên nhún bước theo vòng xòe, xòe vòng tập thể có khả năng ứng biến linh hoạt thành nhiều điệu xòe khác nhau.

Theo thời gian, người Tày nơi đây lại tiếp tục cho ra đời những điệu xòe mới, như xòe trồng đậu, xòe đan sao, xòe hái chè (xòe hái mận tam hoa), xòe mời rượu... Sự ra đời của các điệu xòe mới làm cho kho tàng nghệ thuật xòe ngày càng thêm phong phú.

3. Một số loại hình múa trong các môi trường khác

Người Tày còn có các điệu múa ru con “roòng lục non”, múa mời rượu “mơi lẩu”: Điệu múa ru con gồm 5 người nữ, mặc trang phục Tày, 2 người cầm khăn múa, mô tả động tác giống như kiểu căng võng cho con ngủ, một người hát ru bằng tiếng Tày, hai người bên cạnh múa có đệm sáo. Điệu múa mời rượu thường là 10 người, xếp thành hai hàng, một hàng cầm khay, một hàng cầm chén, sau đó chuyển động tác xen kẽ từng đôi một, nam cầm chai, nữ cầm chén tay nhẹ nâng chén rượu thơm dịu dàng níu chân mời rượu, thể hiện tấm lòng chân tình, hiếu khách của dân tộc, nhạc đệm cho điệu múa có kèn trống.

Có thể nói, với đồng bào Tày, múa rất quan trọng, múa không chỉ có mặt trong các lễ hội mà còn gắn liền với các sự kiện trọng đại của gia đình như cưới xin, vào nhà mới, múa trong lao động sản xuất sinh hoạt… bằng sự uyển chuyển của cơ thể mà những hình ảnh sinh hoạt, lao động hết sức bình dị của cộng đồng được tái hiện một cách sâu sắc, chính các điệu múa tạo ra không khí vui tươi, sống động. Qua mỗi điệu xòe, khiến cho con người gần gũi với nhau hơn, tình đoàn kết gắn kết yêu thương thêm bền chặt.

4. Giá trị văn hóa và nghệ thuật của múa xòe người Tày Tả Chải

Có thể nói, xòe của người Tày ở Tả Chải mang trong mình những giá trị văn hóa, nhân văn đặc sắc, trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng, một tài sản quý giá của cộng đồng. Cùng với dòng chảy của thời gian, xòe đã đi sâu và có sức sống bền bỉ trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày ở Bắc Hà, Lào Cai. Múa xòe có mặt không chỉ sau những buổi lao động mà còn đi vào lễ hội, những nghi lễ thiêng liêng, những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ mừng cơm mới, lễ tết, hội bản Lồng Tồng… Múa xòe đã trở thành cơm ăn, nước uống hằng ngày không thể thiếu đối với đồng bào Tày nơi đây. Ở đâu có lễ hội, có sinh hoạt cộng đồng thì ở đó có xòe, nếu thiếu đi những điệu xòe, vòng xòe thì cuộc vui chưa trọn vẹn, tình thân chưa gắn kết và vạn vật, con người dường như thiếu đi sức sống. Xòe đã trở thành phương tiện kết nối tình cảm giữa con người với nhau, gắn kết cộng đồng và là hình thức sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng của người Tày.

Nghệ thuật xòe Tày Tả Chải chứa đựng những sáng tạo độc đáo. Sự khác biệt của xòe Tà Chải với xòe vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Yên Bái... thể hiện ở chỗ xòe Tả Chải là tiết tấu đa dạng, biến hóa; vũ điệu mềm mại, uyển chuyển, được cách điệu từ những động tác lao động thường ngày. Các điệu xòe đều mô phỏng theo hoạt động lao động sản xuất, tập quán sinh hoạt của đồng bào Tày nơi đây. Như điệu xòe đập lúa dồn dập, náo nhiệt như thúc giục mọi người đi gặt lúa, gánh thóc về nhà, nhịp điệu khẩn trương hơn. Hay điệu xòe vòng của các chàng trai, cô gái, vòng xòe lúc này rộng ra và nhịp điệu gấp gáp hơn; từng đôi trai gái, tay trong tay, dắt nhau bước đi trong nhịp xòe rộn rã. Còn điệu xòe mò cá thì vòng xòe cứ đều đều xoay tròn khi chụm vào, khi tan ra, như lời thủ thỉ của chàng trai, cô gái. Trong các kiểu xòe, điệu xòe vòng là thông dụng nhất. Một vài chục người thì một vòng xòe, hàng trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong vòng ngoài, tay trong tay, chân người nọ dịch bước theo chân người kia, say sưa theo nhịp trống chiêng lúc bổng, lúc trầm và có sức lôi cuốn mạnh. Trong phút thăng hoa của vũ điệu truyền thống, sự rụt rè, ngượng ngập thường ngày biến mất, mọi người tự nhiên nhún bước theo vòng xòe ngày càng lan rộng, cuốn hút. Vì thế, xem xòe Tả Chải là thấy được cuộc sống lao động, phong tục tập quán, trang phục, lời ăn tiếng nói của người Tày bản địa, chính vì vậy, du khách nước ngoài đều rất muốn thưởng thức và khám phá xòe Tả Chải mỗi khi đến thăm cao nguyên trắng Bắc Hà.

A.N

#Bắc Hà
#Múa xoè

Quay lạiXem tin mới

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai
Địa chỉ:
581, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
0214 384 4820
vannghelaocai@gmail.com
tapchiphansipanglc@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này