
Mẹ tôi
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương
(Ca dao)
Trong các cung bậc tình cảm của con người thì tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất. Vì sao vậy? Vì đó là lẽ tự nhiên của muôn loài. Người mẹ là hiện thân của đức hy sinh. Từ đông sang tây, với mọi dân tộc hình ảnh mẹ bao giờ cũng gắn với những gì thiêng liêng nhất. Trong các bài ca, thì bài ca về mẹ bao giờ cũng là bài hay nhất. Mỗi khi đi xa nhớ về gia đình người đầu tiên tôi nhớ đến là mẹ.
Mẹ chính là người đã mang nặng, đẻ đau ra tôi trong nỗi đau vĩ đại. Cả tuổi thơ tôi sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, được mẹ chăm lo bú mớm bù trì. Tuổi thơ biết bao lầm lỗi, mẹ là người bênh vực, bao dung, tha thứ cho tôi hết thảy. Ngày còn nhỏ tôi nghịch ngợm có tiếng, chỉ làm khổ cho mẹ mà thôi, đã có lần vì thế mà bị người đổ vạ oan cho, mẹ phải chắp tay xin người khác thứ lỗi cho thằng con nghịch dại. Tình yêu thương ấy đã giúp cho tôi nên người. Sau bao năm trôi qua, trải bao đường đất, nếm đủ cay đắng cuộc đời tôi vẫn chưa hiểu được tận cùng tấm lòng mẹ qua câu Kiều mẹ lẩy:
Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà
Chín chữ cao sâu ấy là: sinh (đẻ) người mẹ sinh thành ra tôi; cúc: nâng đỡ tôi; phủ: vuốt ve tôi; sóc: nuôi dưỡng, cho bú mớm khi nhỏ cho ăn khi tôi còn bé; trưởng: nuôi tôi cho đến khi lớn; dục là dạy dỗ tôi thành người; cố: trông nom giúp con tránh mắc lỗi; phục: tùy tính con cái mà dạy dỗ; phúc: che chở cho tôi khi chưa trưởng thành. Chín chữ ấy quả cao sâu. Ơn đức của mẹ cao như trời, sâu như biển mà phải đâu tôi đi cả đời này chắc đã hiểu hết. Cha mẹ mỗi ngày tuổi một cao, con cái ngày một khôn lớn nhưng tình mẹ vẫn dạt dào như nước biển đông, ơn cha mẹ vẫn vời vợi như trời cao thăm thẳm. Ôi, những ngày bé thơ dại biết bao lần tôi đã làm mẹ phiền lòng, ấy vậy mà mẹ vẫn tha thứ cho tôi hết thảy. Nhớ những ngày xưa phải đi lấy nứa về chẻ tăm hương, tăm mành. (Quê tôi vùng thượng du sông Hồng, vốn có nhiều nứa, gỗ và có nghề thủ công là chẻ tăm hương, tăm mành bán cho người dưới xuôi). Những cây nứa buộc thành chiếc bè nhỏ thả trôi trên sông Hồng. Nhiều hôm về muộn, trời tối, nơi đầu bãi Phú Long, những người mẹ cầm bó đuốc nứa khô cháy rừng rực chờ con, thấy bè nứa nào trôi trong màn sương trên sông cũng gọi tên con mình ời ời… Mẹ tôi cũng bao lần ra đầu bãi ngóng tôi như thế, vậy mà có lần không hiểu sao tôi không thưa, để mẹ lo lắng đứng chờ. Chỉ đến khi chị gái tôi chạy lên tìm mẹ, báo rằng tôi đã về đang vớt nứa lên bến, mẹ mới về nhà với ngọn đuốc đã tàn trên tay. Vậy mà mẹ chỉ nói một câu “Mày định để mẹ phải chờ hết đêm, hả con”. Mẹ lặng lẽ dọn cơm cho tôi ăn, bữa cơm nhà nghèo đỏ những ngô độn, mẹ gạt phần ngô, dành cơm trắng cho tôi, gắp cho tôi miếng cá chạch mẹ bắt được khi đi đơm đó ở ven sông… Nước mắt trào ra ân hận, nhưng lúc ấy tôi đâu đã hiểu hết tấm lòng vị tha trời bể của mẹ.
Khi gió sớm heo may của mùa thu bắt đầu về, lòng tôi cũng se se lạnh với cái lạnh của những cơn gió lạnh đầu mùa. Tôi bỗng xao xuyết chợt nhớ ngày đầu mẹ đưa tôi đi học. Chao ôi, hôm ấy không có nắng hanh với những chiếc lá vàng mùa thu bay loạt soát dưới chân như bài văn mà ông nhà văn nào đó đã tả trong sách về ngày đầu đi học. Mà ngày đầu đi học của tôi là trời mưa. Bầu trời u ám, những cơn mưa cuối mùa rả rích buồn lê thê, mẹ dắt tôi đi dưới trời mưa như thế, mảnh nilon nhỏ che hai mẹ con, nhưng mẹ nghiêng che cho tôi khỏi ướt, còn mẹ thì chịu bị mưa hắt. Con đường đất thịt như đổ mỡ, nhưng tay mẹ dịu dàng mà cứng cỏi dắt tôi qua cả đoạn đường trơn trượt. Đến cửa lớp, cũng chẳng phải ông giáo già như trong sách sau này tả, mà là cô giáo người thôn bên đi dạy vỡ lòng để ăn công điểm của hợp tác xã. Cô thỉnh thoảng sang thôn tôi có việc, gặp mẹ tôi vẫn chào bằng thím. Vậy mà đưa tôi đến lớp, mẹ xin cho tôi vào học với một sự lễ độ khiêm nhường: Xin cô cho cháu vào học lấy dăm chữ để làm người. Ôi, đến giờ tôi mới thấm thía câu nói của mẹ. Bà lão nông dân mù chữ, những lại vô cùng kính trọng người có chữ, và mong con cái lớn lên có chữ nghĩa để biết đúng sai, để làm người. Không hiểu cô giáo và mẹ còn trao đổi với nhau những gì, nhưng tôi chỉ nhớ câu nói ấy thôi… Và khi bóng mẹ xa dần lớp học, tôi đã òa lên khóc, lao ra trời mưa gọi mẹ. Mẹ phải quay lại dỗ dành tôi, đứng ở cửa lớp cho đến khi tôi học được già nửa buổi mới yên tâm ra về. Bài học vỡ lòng đầu tiên của tôi chẳng phải là chữ nghĩa, mà chính là bài học về tình cảm đôn hậu, đức hy sinh của mẹ.
Theo thời gian, những đứa con cứ thế lớn lên, rồi xa mẹ. Tuổi hoa niên sôi nổi với bao ước vọng. Có những lúc tôi như quên gốc tử phần, mải vui với bè bạn mà tôi bỗng quên nghĩa vụ phải hỏi thăm mẹ dù chỉ là một câu. Mẹ vẫn tựa cửa ngóng chờ tôi. Mẹ mong cháy ruột hình dáng đứa con yêu của mình trở về trên con đường trước hiên nhà. Tin về đứa con xa đến với mẹ, khi thành đạt là một niềm hạnh phúc vô bờ bến, là niềm tự hào không gì sánh nổi. Khi nghe tin không hay về đứa con mình, lòng những người mẹ thắt lại với một nỗi niềm đau khổ khôn nguôi. Những vinh hoa, phú quý chỉ là những áng phù vân trôi nổi, có những người đi cả cuộc đời mới nhận ra rằng, tiền của, danh vọng, chức vị chỉ là phù phiếm. Tôi có quen một người, phấn đấu suốt tuổi thanh xuân vì tiền tài danh vọng mà dường như không đoái hoài gì đến người đã sinh thành ra anh. Vậy mà chẳng may mắc bệnh trọng, những lúc bệnh tật đau đớn, bao người đẹp của anh đã ra đi không dấu vết như những con gió thoảng, chỉ còn người mẹ già tóc bạc, da mồi săn sóc đứa con trai mình. Thế mới biết, tiền của, danh vọng, tình nhân chỉ là sự phù phiếm, chỉ có tình yêu của mẹ là mãi mãi trường tồn trong cuộc đời này thôi.
Khi đứa con mắc lỗi, người cha bao giờ cũng giận dữ, còn người mẹ bao giờ cũng mở rộng vòng tay yêu thương đón đứa con lầm lỗi trở về. Khi tôi đã mệt mỏi với những bon chen của cuộc đời thì mái nhà của mẹ vẫn là nơi bình yên nhất để tôi tránh khỏi những dông bão của cuộc đời. Những lúc thất bại, tôi lê tấm thân mệt mỏi trên đường đời, bỗng thấy thèm mái nhà xưa của mẹ. Chao ơi, cái mái nhà tranh trải bao mưa nắng mẹ đã nuôi tôi lớn lên. Cái ánh sáng diệu kỳ vào lúc hoàng hôn tỏa xuống trên mái tranh nghèo. Dáng mẹ lui cui nhóm lửa nấu bữa cơm chiều cho đứa con mỏi mệt đang về với mẹ. Đã bao lần tôi có lỗi làm mẹ buồn, nhưng chưa lần nào mẹ giận tôi, mà dường như mẹ yêu thương tôi hơn. Những lúc đi xa chỉ mong có một ngày trở về mái nhà bình yên của mẹ. Đến lúc ra đi, mẹ dậy thật sớm gói cho tôi nắm cơm nếp nương để ăn đường. Mùi xôi nếp thơm nồng nàn tình mẹ như gói cả một trời thương nhớ đi theo tôi suốt cả đời này. Mo cơm nếp ấy gói gém cả tình mẹ trong nỗi nhớ niềm thương đến quặn thắt trái tim con.
Đã đi gần hết cuộc đời này, tôi bỗng cật vấn lòng mình, khi đi xa mẹ, lúc trở về nhà, có bao giờ trở về tôi chạy đến bên mẹ và ôm mẹ thật chặt, để thấy được mùi mồ hôi của mẹ vì lao động không mệt mỏi chỉ để mong kiếm được những đồng tiền để nuôi tôi khôn lớn không? Không. Chưa bao giờ tôi làm điều ấy, vì lúc ấy, đơn giản rằng tôi nghĩ, tất cả những gì mẹ dành cho tôi là hiển nhiên, mà tôi không hề nghĩ rằng mình cần phải làm gì cho mẹ.
Mẹ giờ đã ở cõi khác. Tôi muốn đánh đổi tất cả chỉ để mẹ được một lần bên tôi, để tôi ôm lấy mẹ, ngửi mùi mồ hôi thân quen của cả một đời vất vả, cực nhọc. Tôi được hôn lên đôi mắt hiền từ của mẹ để nếm được vị mặn mòi của những giọt nước mắt, những giọt nước mắt vui sướng hạnh phúc khi thấy con nên người, những giọt nước mắt cay đắng buồn phiền khi con lầm đường lỡ bước. Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để chỉ được một lần nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo đầy vết chai sạn của mẹ. Bởi vì đôi bàn tay đó đã dắt tôi đi, đã đưa đường dẫn lối cho con suốt cuộc đời này. Trong thế giới này chẳng có một tình cảm nào thiêng liêng bằng tình cảm mẹ dành cho con đâu. Mỗi khi thành công hay thất bại, bao giờ tôi cũng gọi: Mẹ ơi…
Quay lạiXem tin mới
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...