Mai Mơ thả hồn vào miền nhớ

Nguyễn Văn Tông

10:07 - 11/07/2024

Mai Mơ là người yêu thơ và làm thơ từ khi công tác ở Sa Pa đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, đến tuổi nghỉ công tác, người phụ nữ “5X” mới có điều kiện bộc lộ rõ khả năng thi ca của mình, bà đã cho ra đời bốn tập thơ, tập nào cũng đau đáu nỗi niềm của “Trái tim đàn bà” ăm ắp yêu thương, có đôi lúc pha chút giận hờn.

Giận đấy mà thương lại càng thương như câu dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh ai cũng đã từng được nghe khiến lòng cứ nao nao sóng tình trong miền nhớ vỗ bờ. Mai Mơ bộc bạch đã là đàn bà ai cũng cần có “bờ vai” để tựa, yên tâm vượt qua những khó khăn trắc trở, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong đời, trong bài “Trái tim đàn bà”, bà mong mỏi:

Trái tim đàn bà

Khát khao tia nắng hồng mỗi sớm

Khoảng trời xanh gọi cánh chim câu.

Một tiếng em yêu... cũng đủ sang giàu

Làm hành trang xây lâu đài hạnh phúc.

Thế cũng đủ để cho người phụ nữ an nhiên sống và cống hiến những gì có thể cho cuộc sống thường nhật được trải lòng vào thơ của mình. Niềm đam mê thi ca đã cho Mai Mơ - người phụ nữ ngoài bảy mươi mùa cây thay lá không ngừng sáng tạo. Thơ của bà đăng khá đều đặn trên các báo, tạp chí là nguồn lực tiếp thêm nhựa sống cho cây đời tiếp tục nảy lộc giữa ngút ngát xanh tươi của núi rừng Hoàng Liên Sơn trùng điệp. Mai Mơ thật lòng: Sau tập “Hạt sương thơm hương cỏ mật” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2021, trong “ngân hàng” thơ của bà đủ dư cho bà lựa chọn bài để xuất bản tập thơ tiếp theo, nhưng bà không vội mà chỉnh sửa chỉn chu cho thật chín để năm 2024 mới có ý định xuất bản tập thơ thứ năm mang tên “Miền nhớ” này. Lời chân tình đó chứng tỏ bà rất thận trọng cho sự sinh thành từng đứa con tinh thần của mình. Đó là sự khiêm nhường đáng mến của người thơ đã đóng góp phần mình vào nền thi ca Lào Cai qua hơn năm mươi năm phát triển, kể từ ngày thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nhà. Các tập thơ trình làng của Mai Mơ, tập nào cũng đầy ắp tâm trạng, khát khao mong mỏi trong bâng khuâng da diết theo chiều cảm xúc khi đầy khi vơi, không chỉ của riêng nữ thi sĩ mà còn nói hộ tâm tư bao người trong cuộc sống vui buồn từ quá khứ đến hiện tại, hướng tới tương lai. Bà không giấu giếm tình yêu mình dành cho thơ: “Ta yêu thơ - yêu cuộc đời chìm nổi/ Con đường thơ trải những nỗi niềm”, cho đến khi:

Thơ đã gieo giọt hoàng hôn chấp chới

Những chiều rơi với sắc lá theo mùa

Vẫn ngân lên những niềm vui đắng đót

Như chân trời trải vệt nắng vàng mơ

(Tình thơ)

Để rồi, tác giả nhận ra rằng: “Dẫu đời ai nợ, ai quên/ Ta vui lẽ sống với miền thương yêu” (Nợ) cho “Những chiều rơi!/ Hoàng hôn vẫn ngời lên sắc tím/ Vẫn khát khao giọt sương chiều muộn/ Những lời yêu!” (Lời yêu). Với Mai Mơ, cuộc đời luôn cần những bài ca, dẫu có “chìm nổi” thế nào chăng nữa, khi “Năm tháng cũ cùng ta người đã cũ/ Khóe mắt, môi hằn những nếp thời gian” (Mùa cũ) thì vẫn thấy “Cuộc đời như một bài ca” để “Đến hôm nay ta tìm được chính ta”. Chả thế mà các nhà phê bình văn học thường nói “Thơ là tiếng lòng của tác giả”, vì thế thơ luôn thanh tao, ý nhị theo tiếng gọi trái tim con người ở mọi hoàn cảnh trong mọi thời đại. Với tập thơ “Miền nhớ” gồm hơn tám mươi bài, mỗi bài là một tâm sự riêng để nữ sĩ thả hồn vào đó sự day dứt, níu kéo cái riêng của mình vào cái chung của mọi người trong sự ràng buộc của cuộc sống muôn màu đã, đang và có thể diễn ra theo sự sàng lọc tất yếu của đời sống xã hội. Sự biến động của xã hội cũng như tâm lý con người luôn hướng tới mọi điều tốt đẹp cho mình và cho mọi thực thể trên thế gian. Đối với con người lý chí và tình cảm là hai yếu tố cần thiết tạo nên đời sống tinh thần mà chữ tình luôn được coi trọng, nhất là trong thơ luôn đứng trước để hướng cái lý đạt tới chuẩn mực của chân - thiện - mỹ. Thơ Mai Mơ cũng đang vươn tới ý tưởng ấy, bởi:

Ta lật giở từng trang cuộc sống

Như dòng sông trải những nắng, mưa

Ào ạt sóng, nổi chìm dâu bể

Lại êm đềm cất tiếng hát vỗ về

(Hòa âm)

Và ở đó, mỗi buổi mai lên không gian ngập tràn ánh sáng soi tỏ sự sống đang diễn ra đầy sắc màu và đượm tình thương yêu:

Nghe tiếng chim thức dậy

Gọi ban mai rực hồng

Lời yêu thương đằm thắm

Như giọt nắng đơm bông

(Yêu thương)

Lời yêu thương trong thơ của Mai Mơ là tiếng nói chung của mọi người, mọi lứa tuổi đối với quê hương, đất nước và những người thân yêu luôn hòa quyện vào nhịp đập của con tim được hình tượng hóa trong sự liên tưởng thực tế mà lãng mạn:

Dòng sông lắng hạt phù sa

Cây xanh lắng lại cho hoa trổ mùa

Mây đen lắng lại chia mưa

Hoàng hôn lắng lại thêu thùa thời gian.

Đêm khuya lắng một tiếng đàn

Lòng người lắng lại để tan nỗi buồn...

(Lắng)

Đó là sự lắng đọng của mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên và tư duy của con người chi phối vào cuộc sống đa dạng, phong phú vẫn diễn ra muôn thuở. Bản ngã ấy là quy luật của sự sống. Vui buồn là lẽ thường tình ở đời, nhưng biết tìm nguồn vui để hòa nhập vào nhân thế là điều không phải ai cũng làm được. Đối với Mai Mơ thì có cách thổ lộ khá đặc biệt, riêng có trong thơ là đã chọn Truyện Kiều - một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du để soi tỏ lòng mình:

Từ ngàn xưa vọng lại

Trong đêm tiếng lảy Kiều

Cho cuộc đời nhân thế

Vẫn nồng nàn giấc yêu

(Tình thơ - nhạc)

Có lẽ bà rất yêu quý “Truyện Kiều” như bao người trên dải đất hình chữ S thân yêu. Chẳng biết trước khi lảy Kiều bà có “bói Kiều” như nhiều phụ nữ khác không, nhưng “Truyện Kiều” đã gắn với đời sống tinh thần từ các qúy bà đến người nông dân “chân lấm tay bùn”. Văn học sâu sắc là thế, bởi nó là nhân học, nhất là đối với thơ. Và Mai Mơ biết rõ cái nồng nàn trong những giấc mơ hoa ấy hầu như chỉ có trong thơ và nhạc:

Thơ là trăng là sao

Là đắng cay, dịu ngọt

Nhạc là gió là mây

Chia vui buồn, đắng đót

(Tình thơ – nhạc)

Vì trong lời thơ có giai điệu của nhạc, trong ca từ và thanh âm của nhạc có ý tứ của thơ. Thơ và nhạc luôn song hành trong nhân tình thế thái của con người. Đọc Mai Mơ mới thấy tình cảm Mai Mơ dành cho thơ thật nhiều. Tình thương, nỗi nhớ cứ theo bà ùa vào cảm xúc để bà yêu và nhớ. Trong “Miền nhớ” mênh mang ấy, Mai Mơ gạn lọc chọn cho mình một khoảng riêng:

Dẫu sang hèn cũng vẫn khát khao

Một gia đình ấm êm hạnh phúc.

Như bông hoa rừng ngời hương sắc

Bình minh về gõ cửa... tình yêu.

(Sau cánh cửa)

Ở đó có tình mẫu tử trong tiếng ru hời còn đọng lại trong ký ức tuổi thơ: “Dù cho sóng gió muôn phương/ Lời ru vẫn mãi soi đường con đi” và tình thương vô bờ bến ấy chỉ có ở mẹ mà thôi:

Thương con củ ấu cũng tròn

Mật công hết đắng, khoai môn thêm bùi

Chỉ mong con lớn nên người

Như chim tung cánh chân trời bay xa...

(Lời ru của mẹ)

Ở đó còn là dãy dài tháng ngày vất vả của mẹ:

Mái nghèo đọng lại khói lam

Hồn quê dáng mẹ lo toan tảo tần

Gánh đời cong những gian truân

Vẫn thơm hạt gạo trắng ngần nuôi con

(Hương quê)

Đối với người cha, Mai Mơ thể hiện tình cha con theo cách nhìn triết luận cuộc đời của người con đã từng chiêm nghiệm bao điều vui, buồn, sướng khổ trong bươn trải để khắc họa được tính cách người cha nghiêm khắc mà bao dung nặng tình phụ tử:

Dù đi xa muôn nơi - đúng, sai muôn nỗi

Cha không nói

Ánh mắt luôn là dấu hỏi

Để tôi tự trả lời...

(Ánh mắt của cha)

Cái dấu hỏi ấy trong muôn ngàn dấu hỏi của cuộc sống như xoáy vào tâm can theo bước chân thăng trầm của thi sĩ. Những câu thơ như con sóng khi ào ạt, lúc êm đềm vỗ về những người con dù ở chân trời, góc bể nào vẫn luôn nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ. Đó là sự tri ân không thể khỏa lấp luôn gắn liền với làng quê, nơi một thuở nuôi ta lớn khôn: “Tuổi thơ thấm đẫm hồn làng/ Dẫu xa lòng vẫn nặng mang nghĩa tình” (Hồn quê), và cũng tại nơi đó còn là:

Phù sa tưới tắm đất lành

Bên bờ cây trái vươn cành, tỏa hương

Mùa về sóng vỗ yêu thương

Sông ru tiếng hát vấn vương... đôi bờ.

(Sông)

Dòng sông, cánh đồng, nương đồi, núi rừng… là biểu tượng của quê hương, bất kỳ người làm thơ nào cũng viết về những kỷ niệm ở đó. Tình yêu quê không chỉ đơn thuần là yêu cảnh quan mà còn được nhân lên trong tình yêu đôi lứa:

Ta đi qua đời nhau

Chân trời vương kỷ niệm

Giấc mơ nào đan tím

Cho ta tình yêu thương

(Chân trời kỷ niệm)

Đó là thứ bùa ngải quanh năm suốt tháng cuốn hút nam thanh, nữ tú đến với nhau " Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua" (Ca dao) đã được Mai Mơ nâng lên thành “Mùa con trai - con gái”:

Đâu chỉ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông

Với nắng mưa, bão giông, chìm nổi

Còn cho ta những mùa lễ hội

Mùa tình yêu con gái - con trai...

Đọc bài này, người đọc nhớ ngay đến ca khúc “Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời” của nhạc sĩ Phùng Chiến, có câu “Mùa con trai hát gọi con gái” để thấy rõ hơn tình yêu là liều thuốc hữu hiệu đem đến cho con người sự kiên cường vượt qua mọi thử thách để có được hạnh phúc đích thực cho cuộc đời.

Trong “Miền nhớ”, Mai Mơ không chỉ thả hồn thơ trong giới hạn tâm sự của lòng mình mà còn giãi bày những cảm xúc ngọt ngào về miền quê xứ núi mà bà đã gắn bó từ tuổi thanh xuân cho đến bây giờ. Với những chiến sĩ biên phòng ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng, bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc, Mai Mơ chia sẻ:

Nơi biên cương - đất trời bước vào xuân

Anh lính trẻ nhớ quê nhà da diết

Gửi thương nhớ vào cánh hoa đào Tết

Nhờ suối nguồn chở sắc núi về xuôi

(Xuân biên cương)

Bà cảm thông với khó khăn vất vả của những người gieo chữ vùng cao: “Con chữ gọi em tới lớp/ Lúa ngô gọi em lên nương” (Cô gái Hmông). Với mỗi miền quê, bà thả mộng mơ vào trong từng câu chữ:

Ta như trẻ lại bên hồ nước

Giữa non xanh, nước biếc hữu tình

Tưởng như ai hát “Hồ trên núi”

Cá lượn về bè giữa dòng xanh

(Bên hồ Séo Mý Tỷ)

Rồi tiếp đến:

Ta say tình người như lời hẹn

Tính tẩu hòa cùng tiếng suối reo

Điệu Then trầm bổng theo tiếng nhạc

Một vầng trăng mọc xuống lưng đèo.

(Văn Bàn hôm nay)

Hình ảnh quê núi Lào Cai đẹp đến nao lòng trong thơ Mai Mơ. Chắc chắn rằng, với tình yêu thơ và cảm xúc dạt dào về tình đất, tình người của thi sĩ, những bài thơ, tập thơ tiếp sau sẽ đằm thắm hơn, mang khát vọng đến chân trời thi ca đang đón chờ ở phía trước gửi tặng những người yêu thơ, mến mộ tác giả, bởi, Mai Mơ vẫn đang chuẩn bị hành trang cho mình trên đường tới “Miền nhớ”:

Tôi viết tiếp bài ca mừng sinh nhật

Giữa trời thu sóng sánh nắng vàng tươi

Mùa vẫn thế - Chỉ có ta thay đổi

Như cây xanh với năm tháng cuộc đời.

(Những bước đời)

Chúng ta tin rằng, cây đời trong tâm hồn Mai Mơ vẫn ngát xanh theo năm tháng để nở hoa thơm, kết trái ngọt dâng đời.

##Nguyễn Văn Tông
##Nhà thơ Mai Mơ
##Chân dung nghệ sĩ
#Mai Mơ - Miền nhớ

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai
Địa chỉ:
581, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
0214 384 4820
vannghelaocai@gmail.com
tapchiphansipanglc@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này