Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì đen Y Tý

Dương Toản

23:07 - 18/07/2024

Lễ hội Khô Già Già là lễ hội cầu mùa đặc sắc nhất trong năm của người Hà Nhì đen ở Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Lễ hội Khô già già hay còn gọi là lễ hội cầu mùa, nghi lễ thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp của cộng đồng người Hà Nhì đen, lễ hội này còn được gọi là Tết tháng 6, bởi trong suốt thời gian tổ chức lễ hội mọi người được vui chơi, nghỉ ngơi và tổ chức thăm hỏi nhau sau những ngày lao động vất vả.

Người Hà Nhì đen có đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp. Sau thời gian gieo trồng đến khi cây lúa đã lên cao cũng là lúc họ tổ chức lễ hội Khô Già Già để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, cây lúa không bị sâu bệnh. Lễ hội Khô Già Già diễn ra trong 4 ngày liên tiếp, bắt đầu từ ngày con Rồng, kết thúc vào ngày con Dê. Địa điểm tổ chức là khu rừng công viên phía cuối bản, ở đấy người người Hà Nhì đen dựng lên một chiếc lán thờ và mỗi năm chỉ sửa lại một lần vào ngày tổ chức lễ hội.

Địa điểm tổ chức lễ hội Khô Già Già thôn Choản Thèn (Y Tý). Ảnh Dương Toản

Trước ngày con Rồng, các gia đình trong thôn cử người đàn ông trong lên rừng để lấy cỏ gianh về lợp lại lán thờ. Mỗi gia đình cắt 3, 5 hoặc 9 bó cỏ gianh tùy theo việc sửa lại mái lán thờ từng năm. Buổi sáng ngày con Rồng, toàn bộ số cỏ gianh được mọi người mang ra khu rừng công viên, họ cùng dỡ mái cỏ gianh cũ để lợp lên mái gianh mới, mỗi bên mái lợp bao giờ cũng giữ lại một phần cỏ gianh cũ tựa như sự nối tiếp không ngừng, cỏ gianh khi lợp cũng phải lợp theo kiểu từ ngọn lên trên, gốc xuống dưới với ý niệm cầu mong cây lúa được phát triển tốt như cây cỏ gianh, không bị sâu bệnh.

Đại diện các gia đình đi lấy cỏ giành lợp lán thờ. Ảnh Dương Toản

Tất cả đàn ông trong thôn cùng tham gia lợp mái lán bằng cỏ gianh. Ảnh Dương Toản

Buổi chiều ngày con Rồng, đại diện các hộ gia đình trong thôn cùng tập trung để thực hiện nghi lễ dâng tế hồn trâu cho thần linh và mổ trâu chia thịt cho các gia đình mang về dâng lên tổ tiên nhằm cầu mong sự may mắn. Con trâu trong lễ hội Khô Già Già được lựa chọn rất kỹ, phải là con trâu đực đã trưởng thành, toàn thân đen tuyền, không bị tật, khỏe mạnh. Bởi đây là con vật quý, một loại lễ vật gắn liền với đời sống nông nghiệp của người Hà Nhì, là biểu tượng của sức mạnh và sự bền bỉ, hiền lành mà người Hà Nhì đen muốn dâng lên cho thần linh. Vì vậy, con trâu này phải được lựa chọn và chăm sóc hết sức cẩn thận trước khi làm lễ dâng tế thần linh. Con trâu được hai ông giúp việc “khư dù” tìm mua, sau đó mang lên khu đồi cỏ gianh lấy về làm mái lán để chăn thả, nếu xa bản thì mọi người phải thay nhau lên cắt cỏ gianh về cho trâu ăn ít nhất là 3 ngày trước khi làm lễ. Khi mổ trâu dâng thần linh, người được lựa chọn thực hiện nghi thức này sẽ lấy nước rửa sạch cho trâu rồi vái lạy 4 phương nhằm để thần linh về nhận lễ, sau đó mới mổ trâu. Con trâu khi làm lễ được mọi người dùng cỏ gianh lợp lán buộc chặt vào mồm để trâu không kêu khi thực hiện hành lễ, gây kinh động đến thần linh.

Con trâu là vật cúng tế không thể thiếu trong lễ hội Khô Già Già

Sau khi làm lễ tế sống, thịt trâu được chia cho các gia đình mang về nhà làm lễ dâng tổ tiên. Thịt của con trâu trong ngày lễ là một lễ vật mang đậm yếu tố thiêng, hàm chứa sức mạnh của cả trời và đất, là sức mạnh mà các thần linh ban tặng cho con người để vượt qua gian nan, vất vả. Do đó, mỗi gia đình khi được chia một phần thịt trâu sẽ mang về để chế biến và dâng lên bàn thờ tổ tiên ngay buổi tối ngày con Rồng, sau đó con cháu mới được mang ra ăn uống để lấy may mắn.

Chia thịt trâu cho các gia đình trong thôn. Ảnh Dương Toản

Ngày hôm sau, mọi người trong thôn bản lại tiếp tục làm công việc chuẩn bị cho lễ hội. Trưởng thôn sẽ cử 2 nhóm người lên rừng chặt gỗ về làm đu quay (tiếng Hà Nhì gọi là A Quý), một nhóm lên rừng tìm dây về làm đu dây (gọi là A Gừ), những người thợ lành nghề sẽ được cử ra để làm các dụng cụ chơi này. Buổi tối ngày con Rắn, các gia đình chuẩn bị mâm cúng để mang ra lán thờ tại khu rừng công viên để làm lễ dâng cúng thần linh. Mỗi nhà tham dự sẽ chuẩn bị một mâm lễ, số món ăn sẽ ít hơn hai thầy cúng (gọi là Gạ Ma Guy) là hai món và số món ăn trên các mâm cúng luôn là số chẵn.

Các gia đình đội mâm cơm đến khu vực tổ chức nghi lễ để dâng cúng thần linh. Ảnh Dương Toản

Nghi lễ đầu tiên thực hiện tại gốc cây đu, thầy cúng chính sẽ lấy cành hoa cắm vào gốc đu, lấy các tàu lá chuối đã rửa sạch xếp vào trước các cành hoa, sau đó lấy rượu và các lễ vật bày lên lá chuối để làm mâm lễ dâng lên thần linh. Thầy cúng phụ (gọi là Gạ Ma À Mơ) sẽ mang mâm cúng đến gốc để cầu mong cho mùa màng bội thu, cầu cho người chơi đu được an toàn. Sau khi làm lễ, hai thầy cúng “Gạ Ma Guy” cùng thực hiện nghi lễ đu trước để lấy may, tiếp theo mới đến cộng đồng cùng chơi.

Mâm lễ vật dâng thần linh của 2 thầy cúng. Ảnh Dương Toản

Sau nghi lễ cúng cột đu, mọi người cùng mang mâm lễ vào trong lán thờ để cùng thực hành nghi lễ thờ thần linh. Mỗi người một mâm lễ được xếp theo thứ tự, hai ông thầy cúng sẽ đặt mâm ở hàng đầu tiên, tiếp theo là các hộ gia đình theo thứ tự từ già đến trẻ để cầu may, cầu phúc cho cả cộng đồng.

Thầy cúng làm lễ dưới chân cột đu. Ảnh Dương Toản

Đây vừa là lễ hội, là không gian thiêng duy nhất để các phụ nữ được đến tham dự và tổ chức các trò chơi dân gian. Ngoài các nghi lễ, lễ hội Khô già già còn là dịp để cho con cháu ở khắp các nơi cùng tìm về với cha ông họ, cùng mang về những món quà để tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, ông bà và những người lớn tuổi đã sinh thành ra họ. Lễ hội Khô già già sẽ kéo dài trong suốt 4 ngày liên tục. Ngày cuối cùng, hai thầy cúng Gạ Ma Guy sẽ ra làm lễ xin được hạ cần đu, chặt dây đu để kết thúc lễ hội, để mọi người cùng trở lại làm việc.

Đu dây, một nghi thức không thể thiếu trong lễ hội Khô Già Già. Ảnh Dương Toản

Sau khi hết phần nghi lễ mọi người trong thôn cùng tham gia chơi hội. Ảnh Dương Toản

Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì hàm chứa các lớp trầm tích tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc mà người Hà Nhì Đen đã gìn giữ suốt bao nhiêu đời nay và nó sẽ vẫn luôn tồn tại và phát triển, là một loại sản phẩm văn hóa đặc thù phục vụ nhu cầu tham quan, khám phá của khách du lịch nơi biên giới.

##Lễ hội Khô Già Già
##Y Tý
##Người Hà Nhì
##Bát Xát
##Du lịch Lào Cai

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Lào Cai
0214 384 4820; 0216 385 2376
0904351468
vannghelaocai@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này