
Làng Nủ, nơi sự sống vươn mầm!
Mùa đông năm nay đến sớm hơn mọi năm, bước vào tháng chạp cái lạnh như cắt cứa vào da thịt. Ngoài trời, sương mù dày đặc như lớp áo choàng phủ lên mặt cây cỏ hai bên đường. Dù ngồi trong xe nhưng ai cũng cảm nhận được mọi vật đang phải co mình lại, tìm kiếm hơi ấm trong những chiếc áo bông.
Từ thị trấn Phố Ràng về Làng Nủ, xã Phúc Khánh không quá xa, chỉ chừng 20 cây số và có thể đi theo hai tuyến đường: Một là rẽ đi qua ngã ba xã Lương Sơn; hai là con đường mà chúng tôi đang đi, tức xuôi thẳng Quốc lộ 70 đi qua Nhà máy Thủy Điện Phúc Long. Cung đường này, một số điểm sạt ta luy dương dù đã được khắc phục bước hai nhưng phương tiện đi lại vẫn phải di chuyển chậm và phải rà lái vô cùng cẩn thận. Có đoạn, xe phải bám bánh trên miệng sông. Từ mặt đường nhìn xuống lòng sông Chảy với sự chênh vênh ấy, thoạt nghĩ như thể ai qua đây cũng đang giỡn mặt với “tử thần”. Sau ngày lũ đi qua, sông dường như trở nên dữ dằn, hung bạo. Hai bên bờ sông dựng thành vách, nước cuộn xoáy. Trên mặt sông, dày đặc những cái xoáy nước như miệng giếng tưởng chừng có thể nuốt chửng cả cái thuyền cát đi ngang qua. Ấy thế, ngày tâm bão có hàng trăm chuyến xe thiện nguyện đi qua đây, thử hỏi, các bác tài đã gan dạ cỡ nào khi dám lao vào hiểm nguy, bước qua những lằn ranh mỏng manh của chuyện sinh tử để mà cứu giúp, động viên người dân vùng gặp nạn.
Làng Nủ hôm nay
Đến đầu làng Nủ, mây mù bắt đầu tan. Bầu trời sáng ra và trong xanh hơn. Cây cỏ như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài trong sương lạnh. Ánh nắng mặt trời rọi chiếu từ dãy núi con Voi xuống những tia nắng ấm áp đầu tiên. Thung lũng Làng Nủ hiện rõ. Hình ảnh chạm mắt tôi lúc này là thân cọ già bên suối, dù đã hứng chịu trận lũ quét lịch sử và bị lớp đất đá phủ dày nhưng vẫn mãnh liệt vươn mình, đơm ra những chùm quả trĩu trịt.
Làng Nủ, đúng như tên gọi của một bản đồng bào Tày bình yên. Cách đây 5 năm, người bản Tày ở đây vui mừng khi Làng Nủ được một lần nữa sinh ra cùng với tên gọi của xã Phúc Khánh khi có Quyết định số 528/QĐ-UBND, ngày 02/3/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc sắp xếp các thôn từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới thuộc huyện Bảo Yên; khi đó đã chuyển toàn bộ 07 thôn thuộc xã Long Phúc và 07 thôn thuộc xã Long Khánh thành 14 thôn thuộc xã Phúc Khánh, đồng thời điều chỉnh lại tên thôn mới và Bản 1 xã Long Khánh thành thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh bây giờ.
Chẳng ai có thể ngờ, một tiếng nổ như sấm vang trời trên đỉnh núi con Voi vào lúc 6 giờ sáng ngày 10/9/2024, trong thời gian chưa đầy 300 giây đã có tới 1,6 triệu mét khối đất đá ụp xuống ngôi làng bình yên ấy. Nguồn nước ngọt nuôi lớn bao thế hệ bản Tày bỗng hóa thành cột sóng dữ tợn ầm ào cao hàng trăm mét, vùi lấp và cuốn phăng tất cả khi bình minh còn chưa kịp thức giấc. Tháng tám trăng tròn nhưng lòng người khuyết lạnh. Đất mẹ vô tình phủ lấp lên tất cả những sinh linh. 67 con người gồm già, trẻ, gái trai tức tưởi ra đi mãi mãi. Tiếng gọi của bản Tày cứ dội cứa vào trái tim, cào cào vào đất mẹ: “Làng Nủ ơi! Ầm ơi! Po ơi! Lục lan ơi! Lũ qua rồi, dậy đi làm thôi chứ? Bình minh lên rồi sao cả làng vẫn ngủ? Sao chẳng giống mọi ngày, sáng thức dậy cùng nhau, cùng cho đàn gà ăn, ngắm đàn lợn béo tròn và cùng kể cho nhau nghe về vụ lúa mới”… Tôi dõi mắt về phía dòng suối nhỏ. Suối Nủ thanh bình khi xưa, giờ thấm máu thịt và nước mắt của người bản Tày. Mùa đông, dòng nước cạn lặng lẽ chảy như nỗi buồn lạnh tái tê của người ở lại, như dòng nước mắt đã cạn khô, vón lại trên những khuôn mặt đã trải đủ nỗi đau mất mát của những người ở lại.
Sau ngày xảy ra thảm họa, để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số, khu vực Nhà Văn hóa (cũ) được Đảng, Nhà nước, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn xây dựng công trình Nhà bia tưởng niệm các nạn nhân để người dân có thể đến dâng hương, tưởng niệm những người nạn nhân xấu số. Tại đây, được trưng bày các dụng cụ, vật dụng, đồ dùng của các hộ gia đình đã bị hỏng, vùi lấp; tái hiện lại hiện trường lũ quét. Có lẽ đây sẽ là di sản văn hóa, để sau này mỗi lần ai đến thăm quan, dâng hương Khu tương niệm, những đồ vật có thể kể lại những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày của những nạn nhân, làm sống dậy ký ức về gia đình, nạn nhân xấu số.
Làng Nủ, một cái tên đã in dấu trong tiềm thức của bao người, giờ đây không chỉ có những câu chuyện tang thương mà còn là minh chứng sinh động về tình quân dân, nghĩa đồng bào khi cả hệ thống chính trị, toàn dân chung tay giúp người dân nơi đây trên hành trình tái thiết. Chỉ 2 ngày sau thảm hoạ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xuống tận Làng Nủ thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi đau với người dân. Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và các bộ, cơ quan, lực lượng liên quan tập trung các nhiệm vụ trọng tâm trong khắc phục hậu quả vụ sạt lở. Trong đó có việc quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn, để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp.
Từ tinh thần chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính, Quỹ tấm lòng việt Đài Truyền hình Việt Nam, các mạnh thường quân trên khắp cả nước cùng cả hệ thống chính trị Lào Cai đã khẩn trương vào cuộc. Nhanh, đúng, trúng để lo cho bà con, có những công việc chưa bao giờ được làm với tốc độ kỷ lục đến vậy. Từ việc khảo sát lựa chọn vị trí, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trên quy mô rộng hơn 13ha, diễn ra một cách thần tốc, chưa có tiền lệ với sự đồng thuận cao của người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Khu tái thiết Làng Nủ
Toàn bộ Khu Tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, có mức đầu tư khoảng 76.000 triệu đồng bằng nguồn vốn từ Ngân sách tỉnh Lào Cai và các đơn vị tài trợ. Khu tái thiết rộng 22 ha gồm 40 căn nhà sàn được xây dựng khang trang, mang đặc trưng văn hóa dân tộc Tày, 01 nhà cộng đồng, 01 điểm trường mầm non + tiểu học, xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, các công trình phòng hộ khác do Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) thi công.
Về Làng Nủ giờ đây trên khuôn mặt của bà con lúc này đã tạm quên đi giây phút tang thương của những ngày tháng 9 lịch sử. Những bẹ chuối rừng sau ngày lũ quét, giờ đây thân cây non cũng đã chồi lên, mang mầm sống nơi núi rừng.
Làng Nủ chiều cuối năm, gió lồng lộng thổi, những bông hoa Sim tím lịm, rung ring theo từng làn gió, trong tâm trí tôi lúc này chỉ ước mong sao làn gió sẽ xoa dịu lòng người đã trải qua nỗi đau, mất mát, gió mang theo những ám ảnh, nỗi buồn và nỗi nhớ khắc khoải đi đến một nơi xa.
Giữa dòng người đông đúc trong ngày khánh thành và bàn giao công trình, tôi dảo bước lên Khu dãy nhà cao nhất, số nhà 29 là chủ hộ chị Hoàng Thị Bóng, trên trên mạng xã hội, báo chí chính thống cũng đã đưa tin gia đình chị mất chồng trong ngày thảm họa. Chị may mắn sống sót do đi làm ăn xa. Trong căn nhà sàn được Đảng, Nhà nước, đơn vị tài trợ chị tâm sự: “gia đình và bà con trong thôn mất mát người thân là nỗi đau không thể nào quên nhưng các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã rất vất vả ngày đêm tìm kiếm nạn nhân, giờ đây còn xây dựng nhà ở cho bà con. Để cảm ơn, chị và bà con nên nghĩ về phía trước, cùng nhau xây dựng lại cuộc sống”. Nghe Chị Bóng tâm sự, tôi chợt nghĩ đến câu nói của Nhà Văn Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".
Niềm vui trong ngày mới
Dưới lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên cột cờ Nhà Văn hóa mới - Trung tâm Khu tái thiết, có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai bước chân lên Khu tái thiết đều cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, tình đoàn kết đồng bào và san sẻ yêu thương. Ngoài việc được tài trợ xây dựng nhà ở, tại đây còn xây dựng 02 phòng học giành cho cấp học mầm non và tiểu học. Sự sống sót của em bé Làng Nủ là một điều kỳ diệu nhưng tiếp tục được đến trường, đi học, đó không chỉ là niềm vui của gia đình, quê hương, thầy cô mà còn khẳng định ý chí vượt qua nỗi đau để vươn mầm cho sự sống ngày mai.
Từ trên cao, những ngôi nhà sàn qua góc nhìn từ Flycam giống như căn hộ nghỉ dưỡng. Khi khu tái định cư hoàn thiện, những ngôi nhà sàn ấy sẽ không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, tạo ra môi trường sống tươi đẹp, gần gũi với thiên nhiên cho người dân. Sự hòa quyện giữa kiến trúc và cảnh quan sẽ tạo ra một khu dân cư vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Từ những buổi lao động tập thể, bà con nhân dân cùng cơ quan, đoàn thể huyện trồng cây, rào dậu trồng rau. Tất cả như cùng nhau giữ gìn kỉ niệm như chưa từng có trong lịch sử.
Công tác khắc phục hậu quả còn là một câu chuyện rất dài, song, trên tinh thần quyết tâm “Biến đau thương thành hành động”, tất cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và Nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, khẩn trương tái thiết nơi này với niềm tin Làng Nủ mới sẽ đẹp hơn, đáng sống hơn, an toàn hơn, nghĩa tình hơn.
Sự hồi sinh không chỉ dừng lại ở việc xây dựng cơ sở vật chất. Nó còn là việc khôi phục lòng tin, xây dựng tình đoàn kết và khuyến khích sự đồng lòng trong cộng đồng. Mỗi người dân đều được tham gia vào quá trình này, từ những cuộc họp đến từng hoạt động nhỏ. Ngay sau khi bàn giao nhà ở và các hạng mục khu dân cư, bà con nhân dân đã được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên, UBND xã Phúc Khánh tổ chức họp dân lấy ý kiến thông qua quy chế quản lý khu dân cư. Tại cuộc họp, bà con nhân dân rất đồng thuận, nhất trí cao và cam kết luôn thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; giữ gìn vệ sinh môi trường và đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Làng Nủ, chiều dài lịch sử của mình, đang viết nên một chương mới, một bản hùng ca về sự hồi sinh. Từng con người nơi đây nhận thức rất rõ rằng, mỗi viên gạch mới đặt xuống không chỉ là một phần của ngôi nhà, mà còn là một dấu ấn của sự vươn dậy, là sự thắp sáng niềm hy vọng cho những thế hệ tương lai.
Trước những khó khăn thử thách, tinh thần “Chúng ta sẽ làm được” đang trở thành sức mạnh chinh phục mọi khó khăn thử thách. Thay vì đơn độc, mỗi người đều ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong hành trình tìm lại, tái thiết lại cuộc sống. Họ đã mất đi người thân, mất đi ngôi nhà riêng, vậy thì mỗi mảnh ghép sẽ tự gắn kết với nhau tạo nên một cuộc đời mới, một mái nhà chung ôm chứa và xoa dịu cho nhau những nỗi đau của một kiếp người.
Mặt trời xuống núi, tôi thả nhẹ bước trên con đường bê tông trở về phố thị. Trong lòng không thôi nghĩ về cái tên ý nghĩa: Làng Nủ - Làng Hạnh Phúc. Làng Nủ đang hồi sinh. Họ vượt lên đau thương để sống và hạnh phúc. Làng Nủ hôm nay, đã sẵn sàng mở rộng vòng tay đón chào những ngày tươi đẹp phía trước và tràn đầy khát vọng.
Lắng nghe tiếng cười trong veo, vang vọng núi đồi của các em nhỏ, niềm tin về một Làng Nủ tươi đẹp lại được thắp lên trong lòng mỗi người. Đâu đó dưới tro tàn, mầm sống đang cựa mình trở dậy để sinh sôi.
Từ khóa :
Quay lạiXem tin mới
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...