Khúc hát sông Hồng

Nguyễn Văn Tông

23:08 - 31/08/2024

Chuẩn bị cho “Festival sông Hồng” do tỉnh Lào Cai tổ chức vào đầu tháng 11/2024, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai đã khai mạc Lễ phát động sáng tác âm nhạc với chủ đề “Sông Hồng - Mạch nguồn cảm xúc”, được đông đảo các nhạc sĩ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội Âm nhạc Lào Cai, các nhà thơ Lào Cai tham dự. Đây là cơ duyên cho thơ Lào Cai ngân vang theo các giai điệu của âm nhạc trong cuộc sống bộn bề những lo toan, trong dựng xây và bảo vệ biên giới - nơi thượng nguồn sông Hồng trăm quý, ngàn yêu.

Sự gắn kết, hòa quyện giữa thơ và nhạc là sự giao duyên của hai loại hình nghệ thuật luôn được công chúng đón nhận, bởi trong thơ có giai điệu của nhạc, trong nhạc có ngôn ngữ của thơ. Chả thế mà người ta gọi một cách trân quý là Thơ Ca. Rất nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng, sống mãi cùng năm tháng.

Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác âm nhạc “Sông Hồng - Mạch nguồn cảm xúc” được các nhà thơ thuộc Chi hội thơ Lào Cai hứng khởi tham gia, gửi nhiều bài thơ viết về sông Hồng - Dòng sông hào hùng và yêu thương chảy vào mảnh đất địa đầu biên giới Lào Cai từ Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát) đến địa phận huyện Bảo Yên, xuôi dòng qua các tỉnh thành phố: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội để về đến cửa biển Ba Lạt, một bên là tỉnh Thái Bình, một bên là tỉnh Nam Định đổ ra đại dương mênh mông. Đó là nguồn cảm hứng, sự gửi gắm tình yêu của các thi sĩ Lào Cai đối với dòng sông ngàn đời bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng Bắc Bộ phì nhiêu, tạo nên nền văn minh lúa nước sông Hồng. Sau lễ phát động, các nhà thơ đã gửi hơn ba mươi bài thơ tới các nhạc sĩ để chọn lựa, là mạch nguồn cảm hứng để có những ca khúc hay về sông Hồng, góp phần vào chương trình “Festival sông Hồng” khởi sắc.

Đã có rất nhiều bài thơ viết về các dòng sông, nhưng có lẽ chưa có thời gian nào tập hợp nhanh, nhiều bài thơ viết về sông Hồng như lần này. Chủ đề “Sông Hồng - Mạch nguồn cảm xúc” đã tạo niềm hứng khởi cho các nhà thơ xứ núi thả vào hồn thơ của mình những tứ thơ, câu thơ, bài thơ thắm đượm tình yêu thương đối với sông Hồng, miền đất và con người đôi bờ miền biên viễn đã trải qua những đau thương, mất mát trong quá khứ, vượt lên khó khăn thử thách xây dựng tỉnh Lào Cai có được diện mạo tươi đẹp như ngày nay. Lời thơ tạo nên âm hưởng thấm đượm bản sắc quê núi cuốn hút người người đến với mảnh đất kiên cường trong bảo vệ, vững bền trong dựng xây, phát triển:

Lào Cai ơi! Nơi có dòng sông

Đỏ phù sa mỡ màu đất bãi

Vạt ngô non chạy dài mê mải

Xanh mênh mang một đường chân trời

(Bài ca một dòng sông - Mai Mơ)

ở nơi ấy còn có: “Nhà tôi ven sông Hồng/ Cửa sổ xanh đón gió/ Cây gạo đứng đợi chồng/ Phía biên cương mắt đỏ” (Sông Hồng - Hoàng Anh Tuấn) và những cây cầu nối những bờ vui trong niềm cảm mến lãng mạn:

Cầu Cốc Lếu như cây đàn

Cho sông Hồng ngân tiếng hát

Hoa gạo rớt giọt phấn hồng loang cỏ

Tóc em dài sợi mây biếc chạm xuân

(Cầu Cốc Lếu - Hoàng Anh Tuấn)

Những ai đã và đang sống ở vùng biên giới không thể không biết ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Dương Soái viết về tình cảm thiết tha của người chiến sĩ bảo vệ biên cương “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” gửi tình yêu thương của mình đến người con gái đang ở cuối dòng sông, nơi đồng bằng châu thổ sông Hồng thẳng cánh cò bay, nỗi chờ mong và ý chí quyết tâm giữ gìn bờ cõi thiêng liêng Tổ quốc. Dòng chảy trên đất Việt của sông Hồng cũng là dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha miền sơn cước bao đời gìn giữ:

Những bến bờ dòng sông chảy qua

Lắng tình đất, tình người quê núi

Tình sông nước từ miền biên giới

Gửi xuôi dòng lời nguyền bình yên

(Ngược sông Hồng lên quê núi - Nguyễn Văn Tông)

Đó cũng là lời nhắn nhủ mời gọi người ngược dòng sông lên phía thượng nguồn trải nghiệm và thử thách:

Anh có lên cùng em

Ngược đèo dốc tới Lũng Pô gió lộng

Gặp dòng sông đỏ lựng phù sa mênh mang chảy xiết

Qua thác ghềnh về với biển khơi

(Dòng sông quê em - Đỗ Thúy Nga)

Lũng Pô - nơi sông Hồng là đường phân thủy xác định giới tuyến hai giữa Quốc gia, chảy đến thành phố Lào Cai trọn dòng đổ vào đất Việt, nơi có cột cờ Tổ quốc phấp phới tung bay giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng biên giới khẳng định chủ quyền đất nước, nơi đã trải qua những tháng ngày bão giông.

Thành phố tôi đã hơn trăm tuổi

Vẫn không quên tháng ngày lửa khói

Cầu Cốc Lếu sập cong hình dấu hỏi

Nhà thờ không còn vọng tiếng chuông ngân

(Sông Hồng nơi thành phố tôi - Nguyễn Văn Tông)

Nơi ấy có dòng sông Nậm Thi xanh trong hòa vào sắc đỏ sông Hồng trọn dòng chảy vào đất Việt từ thành phố Lào Cai nặng nghĩa vẹn tình sông núi:

Tôi đến địa đầu nơi ấy ngã ba sông

Cầu Cốc Lếu mùa giông mưa bỡ ngỡ

Sông Hồng nặng tình Nậm Thi gặp gỡ

Con sóng giao duyên cứ tha thiết vỗ bờ

(Dòng sông sắc đỏ - Nguyễn Văn Hoàn)

Hiếm có nơi nào trên dải đất hình chữ S có thành phố giáp biên giới, có dòng sông chảy giữa lòng thành phố như thành phố Lào Cai thân thương:

Ngày hôm nay sông lững lờ trôi

Hiền hòa ngắm đôi bờ thay áo mới

Lào Cai lung linh sáng ngời

Xây đắp từng ngày cho ước hẹn tương lai

(Dòng sông biên cương - Chu Dương)

Để có “Thành phố Lào Cai sầm uất hôm nay/ In dấu thời gian/ In bóng Hồng Hà dạt dào dòng chảy/ Sáng bừng…” (Bảo Thắng quan - Cao Văn Tư). Nơi ấy có dòng sông đầu nguồn biên giới đã lưu giữ bao kỷ niệm của những người con quê núi Hoàng Liên:

Đã một thời bao người ở, người đi

Như hoa gạo đã đằm sâu nỗi nhớ

Và dòng sông mỗi mùa hoa nở

Lại hồng lên những năm tháng oai hùng

(Dòng sông hoa gạo - Hồng Thạo)

Thành phố bên sông Hồng là thơ, là nhạc, là tiếng hát xao động nỗi niềm sông nước trong những đêm huyền diệu: “Tiếng hát ai bắc cầu qua sông nước/ Cho nhịp chèo sóng sánh những mùa trăng” (Dòng sông Hồng quê tôi - Nguyễn Văn Hoàn) và “Đêm thanh vắng ngát trăng/ Phố phường vào khuya tĩnh lặng/ Lắng nghe âm thầm dòng sông” (Lắng nghe dòng sông - Cao Văn Tư).

Ầm ào hay tĩnh lặng đều là thanh âm của phố núi bên bờ sông quê cho người trở về bến sông xưa mang nỗi niềm xao xuyến đầy vơi:

Bến sông ơi ta lại trở về đây

Để tìm lại phút bình yên quê mẹ

Tháng năm trôi giữa dòng đời dâu bể

Dẫu cuối trời vẫn nhớ bến sông quê

(Bến sông quê - Mai Ngọc)

Nơi ấy không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi lắng đọng mối tình đằm thắm khởi nguồn từ dòng sông bến nước:

Ta đến với nhau trên bến sông Hồng

Cầu Cốc Lếu phượng hồng đẹp quá

Một tình yêu có bao điều mới lạ

Đừng giấu giọt mừng trên khóe mắt nghe anh

(Một dải sông Hồng - Huy Thức)

Để mà người xa âm thầm thương nhớ, người ở bâng khuâng đợi chờ, để mà nũng nịu đáng yêu cứ nôn nao trên mỗi chặng đường, trên mỗi nẻo tuần tra của người chiến sĩ biên phòng giữ gìn bình yên biên giới:

Có gì không anh ở A Mú Sung

Có dòng sông san sẻ anh nỗi nhớ

Như yêu thêm mùa hoa gạo nở

Dọc tháng ba thương thầm những bước hành quân

(Lũng Pô mùa xuân - Nguyễn Lê Hằng)

Mỗi mùa hoa nở, Sông Hồng lại thêm hương sắc mới, thêm sức sống mới quyến rũ lòng người, làm ấm tình thi sĩ với những vần thơ chảy vào thời gian từ mạch nguồn cảm xúc để các nhạc sĩ chắp thêm cánh cho thơ bay lên cùng những giai điệu ngợi ca miền đất có dòng sông ân tình thương nhớ - Khúc hát sông Hồng.

N.V.T

#"Sông Hồng - Mạch nguồn cảm xúc"
#Thơ - Nhạc

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai
Địa chỉ:
581, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
0214 384 4820
vannghelaocai@gmail.com
tapchiphansipanglc@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này