Khái quát văn học hiện đại Lào Cai

Bùi Xuân Tiệp – Đỗ Thu Hà

09:04 - 04/04/2025

Văn học hiện đại Lào Cai có thể chia thành 4 giai đoạn gắn với lịch sử phát triển của mảnh đất nơi biên cương Tổ quốc: văn thơ viết về Lào Cai trước năm 1950, văn thơ viết về Lào Cai giai đoạn 1951-1975, văn thơ viết về Lào Cai giai đoạn 1976-1990, văn thơ viết về Lào Cai giai đoạn 1991 đến nay.

Giai đoạn trước ngày giải phóng tỉnh Lào Cai (1/11/1950), văn học Lào Cai đã xuất hiện một số tác giả là người miền xuôi lên công tác, chiến đấu tại Lào Cai và có một số tác phẩm tiêu biểu phản ánh về cuộc sống, chiến đấu của con người trên mảnh biên cương này. Đọc những tác phẩm giai đoạn này ta thấy thấp thoáng hình ảnh những con người lam lũ, bần cùng trong cái nhìn hài hước của Nguyễn Công Hoan (một nhà giáo dạy học tại Phố Mới, Lào Cai) trong Truyện ngắn chọn lọc của ông trước năm 1945. Ta thấy một tinh thần chiến đấu, hi sinh, dũng cảm của các chiến sĩ bộ đội, dân công trong kháng chiến chống Pháp giải phóng Lào Cai qua những vần thơ viết về chiến dịch giải phóng Phố Lu của Xuân Diệu, qua bút kí Trận phố Ràng của Trần Đăng…

Giai đoạn 1951-1975, tỉnh Lào Cai được giải phóng, bắt tay vào công cuộc vừa kháng chiến chống Pháp (1951-1954) vừa tiễu phỉ (1950-1955); vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa tham gia kháng chiến chống Mĩ tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1955-1975). Giai đoạn này, xuất hiện những nhà văn, nhà thơ từ miền xuôi lên công tác viết về mảnh đất, con người Lào Cai. Tiêu biểu như: Ma Văn Kháng với các tập truyện ngắn Xa Phủ (1969), Cái móng ngựa (1973) viết về cuộc sống và con người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai; Lê Vân với tập thơ Dáng đứng Pơ mu ca ngợi sức sống mới của con người vùng cao từ khi được đón nhận ánh sáng của Đảng và cách mạng; Xuân Nguyên với tiểu thuyết Cơn lốc núi phản ánh cuộc đấu tranh tiễu phỉ ở Lào Cai đầy hi sinh, gian khổ và cuối cùng chính quyền cách mạng đã chiến thắng mang lại cuộc sống yên bình cho mọi người.

Giai đoạn 1976 - 1991 là thời kỳ tỉnh Lào Cai sáp nhập với các tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đây là thời kì đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, song cũng là thời kì xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của đồng bào Lào Cai. Văn học Lào Cai xuất hiện nhiều gương mặt mới, bên cạnh những tác giả từ miền xuôi lên công tác (Ngọc Bái, Bùi Nguyên Khiết), xuất hiện những nhà thơ, nhà văn người dân tộc thiểu số, sinh ra, trưởng thành trên mảnh đất Lào Cai như Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn… Thể loại văn học Lào Cai giai đoạn này phong phú hơn song chủ yếu vẫn là thơ, truyện ngắn, kí và một số tiểu thuyết. Về thơ, tiêu biểu như tập thơ Cây hai ngàn lá của Pờ Sảo Mìn; các tập thơ Chiều biên giới (1989), Những người con của núi (1990) của Lò Ngân Sủn; tác phẩm thơ Gửi em ở cuối sông Hồng (1979) của Dương Soái… Về truyện ngắn có thể kể đến các tập truyện Mo chu, Dưới chân núi tiên của Mã A Lềnh; tập truyện và kí Bùi Nguyên Khiết - Văn chương và cuộc đời (xuất bản năm 2019, Mã A Lềnh biên soạn, tuyển chọn trên các báo từ 1970 - 1979) với những tác phẩm nổi tiếng như Ông cháu người bắt rắn, Đi bên một vì sao, Bóng dáng thân yêu, Mùa hoa ban nở, Người du kích trên núi chè tuyết… của Nhà văn, liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết. Về tiểu thuyết, các tác phẩm tiêu biểu như Vua phỉ (công bố từ 1985, xuất bản 1993) của Lù Dín Siềng, Đồng bạc trắng hoa xòe (1979) của Ma Văn Kháng. Nội dung văn học thời kì này, bên cạnh việc tiếp tục phản ánh lịch sử ngoan cường của Nhân dân Lào Cai trong cuộc chiến tiễu phỉ và kháng chiến chống Pháp, Mỹ giai đoạn trước, nhiều tác phẩm đã tập trung phản ánh cuộc sống đương đại, văn hóa đồng bào dân tộc, cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của bộ đội, du kích, thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc Lào Cai.

Giai đoạn tháng 10/1991 đến nay, tỉnh Lào Cai được tái thành lập. Cùng với khí thế của công cuộc đổi mới, văn học hiện đại Lào Cai phát triển mạnh mẽ với lực lượng sáng tác đông đảo. Trong đó có những cây bút viết văn chuyên nghiệp, có những cây bút vốn “không chuyên” như nhà giáo, bộ đội, công an, người lao động tự do... Các tác giả tìm đến văn chương với niềm say mê sáng tạo nghệ thuật, khao khát được bộc lộ cảm xúc, giãi bày tâm tư, phản ánh đời sống đa dạng của xã hội, con người bằng nghệ thuật ngôn từ. Thể loại văn học cũng phát triển rất đa dạng như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trường ca, hồi kí, bút kí, tùy bút, tản văn, kịch bản phim truyện; thơ, truyện dành cho thiếu nhi. Có tác giả đồng thời viết và thành công với nhiều thể loại. Các tác giả từ giai đoạn trước vẫn tiếp tục sáng tác và đạt nhiều thành tựu: Ma Văn Kháng với tập truyện ngắn viết về Lào Cai Trăng soi sân nhỏ (2014); Mã A Lềnh với Rừng xanh (1997), Nhọc nhoài với ký (2000), Nàng Giua và chàng Sóc (2001), Chuyện xưa ở Mường Tiên (2001), Mã A Lềnh Thơ (2002); Lò Ngân Sủn với Đám cưới (1992), Đường dốc (1993), Con của núi (Tập 1: 1996, tập 2: 1997), Lều nương (1996); Pờ Sảo Mìn với Cây hai ngàn lá (1991), Bài ca hoang dã (1993), Mắt lửa (1995), Cung đàn biên giới (2002)…

Giai đoạn này nổi lên một số tác giả khẳng định được vị thế khá vững chắc với một số thể loại nhất định: tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam (Tình rừng - 2000, Thổ Phỉ - 2010, Trên đỉnh đèo giông bão - 2019, Dốc người - 2020, Rễ người - 2020), tiểu thuyết của Mã Anh Lâm (Đối mặt phía nửa đêm - 2006), truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa (Cơn mưa hoa mận trắng - 2006, Tiếng gọi lưng chừng dốc - 2022, Người bay trong gió xanh - 2022), tản văn của Hoàng Anh Tuấn (Bay trên đồi cọ - 2018)…

Đồng thời, lực lượng sáng tác phát triển mạnh mẽ, nhiều tác giả khẳng định được thế mạnh của mình với thể loại khá phong phú: Cao Văn Tư, Trần Thị Minh mạnh về truyện dành cho thiếu nhi; Nguyễn Văn Cự, Nguyễn Khảm mạnh về tiểu thuyết; Tống Ngọc Hân, Trịnh Bảng mạnh về truyện ngắn; Công Thế, Nguyễn Xuân Mẫn mạnh về bút kí; Nguyễn Thị Minh Thông, Trần Hùng, Đặng Đà, Tạ Thu Huyền, Mạnh Tấn, Hồng Thạo, Đỗ Ngọc Ngân, Xuân Phượng, Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Lê Hằng mạnh về thơ; Ngô Quyền, Nguyễn Văn Tông mạnh về nghiên cứu, lí luận, phê bình.

Một số tác giả đã đạt được thành công khi bước sang lĩnh vực biên kịch phim truyện như Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Văn Cự.

Bên cạnh đó, còn có nhiều tác giả tham gia sáng tác, đóng góp cho sự phát triển chung, tạo nên diện mạo chung của nền văn học tỉnh Lào Cai như Mai Mơ, Phạm Hữu Bằng, Nguyễn Trọng Mạch, Huy Thức, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Tuấn Lợi,…

Văn học Lào Cai trong gần 100 năm qua đã hình thành và phát triển ngày càng mạnh mẽ với lực lượng sáng tác đông đảo, số lượng tác phẩm khá đồ sộ với nhiều thể loại, trong đó, nhiều tác phẩm đạt thành tựu, có giá trị nội dung, nghệ thuật sâu sắc và có ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc. Văn học Lào Cai có đóng góp lớn lao cho nền văn học nước nhà, hòa chung với dòng chảy văn học toàn quốc, trở thành món ăn tinh thần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, con người… của đồng bào các dân tộc Lào Cai.

#Văn học trong thời kỳ kháng chiến
#Giải phóng Lào Cai
#Văn học nghệ thuật
#Lào Cai
#Văn nghệ sĩ Lào Cai

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai
Địa chỉ:
581, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
0214 384 4820
vannghelaocai@gmail.com
tapchiphansipanglc@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này