Đôi lời về phim truyện “Mạch ngầm vùng biên ải”

Nguyễn Văn Cự

14:08 - 28/08/2024

“Mạch ngầm vùng biên ải” là phim truyện truyền hình có độ dài 34 tập, chuyển thể từ tiểu thuyết Mạch ngầm của Nguyễn Văn Cự, biên kịch Nguyễn Văn Cự và Đoàn Hữu Nam, đạo diễn Bùi Huy Thuần. Phim đã được công chiếu vào “giờ vàng” trên VTV1 từ cuối tháng 12/2015, sau đó được phát lại trên VTV4, từ ngày 30/7/2024 được phát tiếp trên VTV1 vào 8 giờ sáng hàng ngày. Nhân dịp này, Tạp Phansipăng giới thiệu bài viết “Đôi lời về phim truyện Mạch ngầm vùng biên ải” của tác giả Nguyễn Văn Cự, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai.

Cuối năm 2012, tôi được Hội VHNT Lào Cai cho đi dự trại sáng tác Đại Lải. Vừa nhập trại, nhà văn Đoàn Hữu Nam nói với tôi: “Đã gần chục năm anh không có tác phẩm gì, có lẽ phải xem xét xóa tên anh trong danh sách hội viên của Hội thôi”. Không biết Nam nói thật hay nói khích, nhưng tôi bỗng thấy chạnh lòng: “Đúng! Là hội viên mà gần 10 năm không có tác phẩm nào được công bố, sao còn là hội viên nữa chứ? Nhưng mình bỏ viết lâu quá rồi, giờ biết viết gì đây?”. Thấy tôi buồn, Nam gợi ý: “Hay là anh viết kịch bản phim truyện truyền hình, cũng đơn giản thôi mà!...”. Nam đưa cho tôi xem mấy tập sách về hướng dẫn viết kịch bản phim truyện, rồi tôi lên mạng xem cách viết kịch bản của Nga, Trung Quốc và Hollywood … Thế rồi tôi mò mẫm bịa ra một ý tưởng, rồi theo mẫu của “người ta” mà viết. Được vài trang lại đưa cho Nam xem và sửa hộ. Ô! Thế mà khi bế mạc trại viết cũng được hơn một tập, cũng thấy vui vui! Nhưng vấn đề quan trọng nhất của viết kịch bản phim truyện truyền hình dài tập là phải có cốt truyện, có thể là chuyển thể từ tiểu thuyết, hoặc là có mạch truyện từ điểm đầu tới điểm cuối. Nhưng điều này mình lại chưa có, vậy là phải phác thảo, phải định hình hình thành cốt truyện đã. Khi bắt đầu tập viết, tôi có nói với Đoàn Hữu Nam: “Vùng biên ải nói chung của Việt Nam còn phức tạp, tôi sẽ viết về những cái như mạch nước chảy ngầm, không ai nhìn thấy được nhưng lại có tác động tiêu cực tới đời sống của xã hội. Dự kiến tên phim là Mạch ngầm vùng biên ải. Tôi vừa dựng cái khung của tiểu thuyết, vừa viết kịch bản phim. Những thứ này tôi đã tích lũy được từ ngày còn công tác, rồi tìm kiếm trên mạng, từ đó dựng lên một câu chuyện thật ly kỳ...”. Vì Nam đã là “thợ viết” rồi, nên khi nghe tôi nói liền đồng thuận ngay. Khi đã dựng được cốt truyện, trong tôi hình thành được tuyến nhân vật để truyền tải nội dung câu chuyện. Lúc đầu, viết được tập nào tôi chuyển cho “Thầy” Nam xem và bổ sung. Nhưng làm vậy, mất việc của Nam nhiều quá nên chúng tôi thống nhất: Tôi cứ viết bản thảo, khi nào xong Đoàn Hữu Nam sẽ đầu tư thời gian hoàn thiện. Vậy là cả năm 2013 tôi viết được 30 tập, Nam chỉnh lý, bổ sung trong vòng một tháng thành 34 tập. Chúng tôi đi đăng ký bản quyền, rồi gửi về Đài Truyền hình Việt Nam. Vì đã có kinh nghiệm viết nhiều bộ phim truyện truyền hình rồi, Nam rất tự tin, còn tôi thì hy vọng và chờ đợi. Không ngờ, đầu năm 2014 khi tôi và Nam đang dự trại viết ở Tây Nguyên thì nhận được điện thoại của đạo diễn Bùi Huy Thuần: “Kịch bản phim truyện Mạch ngầm vùng biên ải, được Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam chấp nhận để dựng phim… Hẹn gặp hai đồng tác giả tại Hà Nội để thống nhất…”. Cuộc gặp giữa chúng tôi với đạo diễn cũng nhanh thôi, hãng phim biên tập theo nghiệp vụ, chúng tôi phối hợp với đạo diễn đi tìm cảnh để dựng phim… Vì trong giới thiệu về kịch bản có nói: “Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Cự”, nên trong khi chờ đợi biên tập viên của hãng phim Truyền hình biên tập, tôi cũng hoàn thành xong bản thảo tiểu thuyết, được Nhà Xuất bản Quân đội xuất bản. Đơn giản vậy thôi, đó là toàn cảnh ra đời kịch bản phim đến khi kịch bản được chấp nhận để dựng phim.

Nội dung truyện phim được thể hiện là một không gian rộng lớn và hoang sơ ở vùng biên, thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Những con người bị dòng đời xô đẩy tưởng chừng không bao giờ có thể hoàn lương. Những giằng xé nội tâm dữ dội của một kẻ du đãng, liều mạng khi lần đầu tiên tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời mình. Một chuyện tình xót xa nhưng cũng đầy cảm động. Đó sẽ là những gì khán giả có thể tìm thấy được qua bộ phim “Mạch ngầm vùng biên ải”.

Xuyên suốt bộ phim là hai nhân vật chính: Đó là Long một kẻ mồ côi liều mạng, để trốn bỏ quá khứ đau thương, một mình lên vùng biên giới làm ăn rồi trở thành một ông trùm bảo kê khét tiếng cho những đường dây buôn lậu. Đó là Hoài, một cô gái quê vì thương mẹ, mong muốn ra ngoài kiếm tiền đã không may bị chính những người thân của mình lừa bán sang biên giới, làm vợ chung cho 3 cha con một gia đình nông dân vùng dân tộc thiểu số. Trải qua nhiều đau thương, cô cũng trốn được về Việt Nam nhưng với bao ê chề, tủi nhục và tưởng chừng đã mất hoàn toàn niềm tin trong cuộc sống. Long và Hoài, 2 số phận khổ đau đó tình cờ gặp và gắn kết với nhau. Sự chân thành cưu mang của Long giúp Hoài có lại niềm tin vào cuộc sống, trong khi chính những tình cảm ấm áp của Hoài đã khiến Long tìm thấy mục đích sống đích thực của mình và mong muốn thoát khỏi con đường lầm lạc. Nhưng bi kịch vẫn đeo đuổi 2 người. Hoài phát hiện ra mình đã mang thai nhưng đó không phải đứa con của Long, cũng không biết là con của người nào trong gia đình cô bị bán ở bên kia biên giới. Trong khi đó, Long cũng không dễ hoàn lương bởi những kẻ dựa vào anh kiếm lợi không muốn buông tha anh, thậm chí còn sẵn sàng vùi Long xuống bùn đen nếu anh muốn làm người tốt.

Bên cạnh mảng tình yêu, “Mạch ngầm vùng biên ải” còn mang đến cho khán giả một bức tranh sinh động và rõ nét về cuộc sống vùng biên, tích cực có, tiêu cực cũng có. Đó có thể là những phiên chợ thường ngày, là cuộc sống mưu sinh của con người vùng biên giới, là hoạt động của các chiến sĩ biên phòng hay thậm chí là các hoạt động buôn lậu.

Toàn bộ ngoại cảnh của bộ phim đều được quay tại khu vực biên giới huyện Mường Khương, bất chấp những khó khăn về sản xuất, sinh hoạt của đoàn làm phim. Bởi vậy, không những đảm bảo tính chân thực của các cảnh quay mà còn bởi thiên nhiên của vùng biên giới phía Bắc quá đẹp đến nỗi cả đoàn không muốn rời đi.

Bối cảnh huyện Mường Khương trong phim "Mạch ngầm vùng biên ải"

Những góc khuất khi chuẩn bị dựng phim, tôi nói lại điều này vì chỉ người trong cuộc mới biết. Khi đạo diễn Bùi Huy Thuần đi chọn cảnh để dựng phim, tôi và Đoàn Hữu Nam được mời đi cùng để giới thiệu các cảnh mà mình đã viết trong kịch bản. Lúc này tôi mới “ngớ người”, thì ra khi viết kịch bản phim mình mô tả khung cảnh thật rùng rợn, kỳ vĩ… là do mình tưởng tượng ra, nhưng với nhà làm phim thì phải là cảnh có thật. Do không tìm được cảnh như vậy, Bùi Huy Thuần gần như nổi cáu: “Tôi biết ngay mà, khi viết kịch bản thì các ông biên kịch cứ ngồi trong phòng mà phóng bút, chỉ làm khổ cho những người dựng phim. Chúng tôi biết lấy đâu ra cảnh ấy?”. Chẳng là thế này: Trong kịch bản phim có cảnh những tên buôn lậu chạy trốn, tôi muốn cảnh này thật hoành tráng nên cho chúng nhảy xuống từ đỉnh một thác nước… Đạo diễn hỏi, thác nước này ở đâu? Chúng tôi đành chịu, vì đúng là mình bịa thật. Mấy hôm sau, Đoàn Hữu Nam nói với tôi “Khổ thế đấy, các nhà biên kịch ở Việt Nam thường nói: với phim Mỹ của hãng Hollywood thì anh viết được gì để tôi còn dựng phim; còn ở Việt Nam thì ngược lại, anh dựng được gì để tôi còn viết kịch bản theo như thế”. Nhưng cũng may, cái khung cảnh kỳ vĩ được tả trong kịch bản tuy ở Lào Cai không có, đạo diễn lại tìm thấy ở Ninh Bình và nhiều nơi khác, vậy là cảnh quay như trong kịch bản vẫn được thể hiện. Còn một “góc khuất” nữa chúng tôi chưa đề cập tới bao giờ, đó là việc chọn vùng biên giới Mường Khương làm cảnh quay, một lãnh đạo địa phương gọi điện cho tôi, nói đại ý: Cảnh quay của phim này toàn nói về tiêu cực, sẽ ảnh hưởng tới địa phương, nên không chấp nhận cho quay ở Mường Khương… Cũng đúng thôi, chẳng ai lại muốn địa phương mình bị “bêu cái xấu” bao giờ. Nhưng cái xấu ngoài đời và cái xấu trong nghệ thuật khác nhau nhiều lắm. Cái xấu ngoài đời thật thì ai cũng căm ghét, còn cái xấu trong phim là cái xấu được nâng lên thành nghệ thuật, được các cấp có thẩm quyền kiểm duyệt… Vậy là khi bấm máy quay, giữa đoàn làm phim và địa phương đều vui vẻ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc dựng phim.

Từ cuối năm 2015, khi bộ phim này chuẩn bị lên sóng truyền hình đã có rất nhiều báo và tạp chí giới thiệu. Với vai trò là tác giả tiểu thuyết và đồng biên kịch, nhân việc phát sóng bộ phim, tôi xin có đôi điều nói rõ thêm về những “góc khuất” chưa đề cập tới, hy vọng được khán giả xem truyền hình và bạn đọc của Tạp chí Phansipăng đón nhận.

N.V.C

#mạch ngầm vùng biên ải
#Nguyễn Văn Cự
#Mường Khương

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Lào Cai
0214 384 4820; 0216 385 2376
0904351468
vannghelaocai@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này