
Ẩm thực trong ngày Tết của người Hà Nhì
Người Hà Nhì Đen cư trú chủ yếu ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trong đó tập trung nhiều nhất là ở các xã Y Tý, Nậm Pung, Trịnh Tường, A Lù, A Mú Sung, Nậm Chạc thuộc huyện Bát Xát. Trong đó, xã Y Tý được coi là xã có người Hà Nhì cư trú tập trung đông nhất, cũng là điểm đến đầu tiên của người Hà Nhì khi di cư đến Lào Cai.
Người Hà Nhì đã giữ được cho mình những nét văn hóa độc đáo của dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa riêng, trong đó ẩm thực độc đáo trong ngày lễ tết của người Hà Nhì ẩn chứa các giá trị về mặt tâm linh, tính dân tộc cũng như tri thức của người dân trong cách chế biến món ăn. Bên cạnh đó, ẩm thực trong ngày tết còn thể hiện cách giao tiếp, ứng xử của người Hà Nhì đối với môi trường, thể hiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng tộc người.
Người Hà Nhì có nhiều ngày lễ, tết quan trọng trong năm như Tết Ga tho tho (tết truyền thống của dân tộc Hà Nhì), Tết Hồ sự thò (tết Nguyên đán vào tháng giêng cùng với các dân tộc); Tết Gạ ma o (tết thiếu nhi tổ chức vào tháng 2); Tết Khô già già (tết cầu mùa tổ chức vào tháng 6 âm lịch)... Người Hà Nhì có những món ăn đặc trưng cho mỗi dịp lễ, tết khác nhau. Xin giới thiệu một số nét độc đáo đó:
1. Ẩm thực trong ngày tết cổ truyền “Ga tho tho”
Người Hà Nhì ở Lào Cai ăn tết cổ truyền dân tộc vào tháng 11 âm lịch hàng năm, ngày Ất Tỵ đầu tiên của tháng (ngày con rắn), tết cổ truyền của người Hà Nhì sẽ diễn ra với ý nghĩa là sự đầy đủ về mọi mặt về kinh tế, bởi đây là thời điểm nông nhàn, người dân đã kết thúc mọi công việc đồng áng, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, có đủ điều kiện để ăn tết. Họ đón tết truyền thống sớm hơn so với tết Nguyên đán các dân tộc 1 tháng. Đây là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui chơi và các gia đình đi chúc tết lẫn nhau sau một năm lao động, thu hoạch mùa vụ. Với không khí nhộn nhịp, ai cũng phấn khởi chào đón một năm mới với nhiều may mắn hơn. Các gia đình đều mổ lợn, gói bánh giầy ăn tết với nhiều phong tục độc đáo đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong 3 ngày tết cổ truyền của người Hà Nhì, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng diện bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất để đi chơi. Bà con trong thôn cùng nhau ăn uống và chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Trong bữa cơm thân mật, họ cùng nhau ôn lại những câu chuyện về thời xưa, về lịch sử dân tộc hoặc công việc trong năm tới và chia sẻ kinh nghiệm mùa màng.
Theo quan niệm của người Hà Nhì, khi tết đến, các gia đình dâng lễ vật cúng tổ tiên phải là những thứ do gia đình làm được trong năm. Thịt lợn và lúa gạo là hai loại thực phẩm quan trọng nhất dùng để chế biến các món ăn dâng cúng tổ tiên. Vì thế mà mỗi gia đình Hà Nhì, dù khá giả hay khó khăn đều cố gắng nuôi 1 con lợn để mổ thịt vào dịp tết. Bữa ăn thường ngày của người Hà Nhì rất đơn giản nhưng vào ngày tết là dịp mọi người chế biến các món ăn truyền thống độc đáo, cầu kì hơn. Theo truyền thống, vào những dịp đó, người Hà Nhì chế biến nhiều món ăn truyền thống từ nhiều loại thực phẩm khác nhau để dâng cúng thần linh, tổ tiên và thiết đãi bạn bè.
Ẩm thực dịp tết truyền thống chủ yếu là các món ăn từ thịt. Riêng mâm cúng tổ tiên bao giờ cũng có tim, gan, thịt và 01 bát nước gừng (dùng để tượng trưng cho các bậc tổ tiên về ăn tết rửa chân tay, rửa mặt trước khi ăn)... Người Hà Nhì chế biến thịt lợn bằng cách xào, hầm là chủ yếu, họ thường có nhiều cách bảo quản thịt khác nhau như ướp muối, treo (sấy) trên gác bếp, rán mỡ để bảo quản, ninh xương để ăn trong nhiều ngày sau, ruột lợn làm lạp xưởng, một số còn lại khác được nấu chín và thết đãi mọi người xung quanh, anh em trong gia đình. Người Hà Nhì dùng thịt lợn tươi hoặc thịt treo sấy trên gác bếp để xào ớt, hành, rau cải cùng một số loại rau củ. Ngoài ra, dùng thịt, xương lợn hầm lạc. Đây là một trong những món hết sức phổ biến của người Hà Nhì, nhất là trong các bữa ăn ở các dịp lễ tết của mỗi gia đình.
2. Ẩm thực trong ngày tết Nguyên đán “Hồ sự thò”
Tết Nguyên đán “hồ sự thò” là thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, người Hà Nhì đón tết này cùng với tết của các dân tộc. Nếu như ngày tết “Ga tho tho” các món ăn đều chế biến từ thịt lợn, dịp Tết Nguyên đán còn có các món ăn chế biến từ thịt gà, thịt trâu. Các món ăn đặc trưng nhất là canh gà nấu măng, thịt trâu nướng, thịt trâu xào gừng ớt, bánh thảo quả, vịt nướng tiêu rừng, cà gai xào ớt... Ngày Tết Nguyên đán đồng bào còn làm các loại bánh: bánh giầy để dâng cúng tổ tiên, món bánh trưng, bánh trôi nước...
Bánh giầy “hò thò” là món dân dã, đặc trưng truyền thống không thể thiếu mỗi dịp tết dùng để dâng cúng tổ tiên, phụ nữ người Hà Nhì sẽ thể hiện sự khéo léo của mình bằng cách gói bánh giầy thơm ngon. Do nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp, chăn nuôi là chính nên trong tâm thức của người Hà Nhì, bánh giầy là thành quả của quá trình lao động chăm chỉ và vất vả. Lễ vật này khi dâng cúng sẽ thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân, hiếu thuận của các thành viên trong gia đình, thế hệ con cháu đối với các đấng sinh thành, bậc tổ tiên của họ.
Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, từ nguyên liệu bột bánh giầy người ta có thể dự đoán được năm mới có phát triển hay không, tình hình thời tiết cũng như vật nuôi của họ. Sau khi giã bột mang về để trên gác bếp, ngày hôm sau sẽ đánh giá qua quan sát bột bánh: nếu bị nứt năm đó sẽ bị hạn hán, nếu bột nứt nhiều năm đó ruộng nương bị sạt lở nhiều. Vào sáng ngày mùng 1 tết, trước khi làm bánh, bột được chia ra 3 phần: phần bột bánh to hơn dùng để nặn bánh cúng; một phần dành cho người, phần thứ 3 là sự phát triển của trâu bò. Riêng phần bột dùng để nặn bánh cho người tức là dùng bột này để nặn bánh theo số lượng người trong gia đình, nếu gia đình có khoảng 4 người mà gia đình đó không có ý định sinh thêm con, nếu nặn bánh ra số lẻ, theo quan niệm của đồng bào sẽ có điềm không may mắn trong năm mới, có thể trong nhà có người mất, còn nếu số lượng bánh là số chẵn tức gia đình năm mới sẽ phát triển đủ đầy.
3. Ẩm thực trong ngày tết tháng 2 “Gạ ma o”
Theo phong tục truyền thống, đến tháng 2 âm lịch, đồng bào Hà Nhì ở Bát Xát lại tưng bừng tổ chức tết “gạ ma o”, cầu cho mọi người trong thôn dồi dào sức khỏe, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no. Sau lễ cúng và bữa cơm liên hoan, mọi người dành thời gian vui chơi, nghỉ ngơi trước khi bước vào vụ cày cấy mới.
Ngày tết tháng 2, mỗi gia đình sẽ mang mâm lễ vật kèm hoa tươi đến nhà trưởng bản để chuẩn bị tổ chức lễ cúng. Mỗi mâm lễ gồm có nhiều món ăn do bà con tự sản xuất: thịt lợn, thịt gà, lạc, bí ngô, khoai sọ, bánh giầy, xôi vàng hoa quả, bánh kẹo... Ngày thường họ ăn xôi tím nhưng vào dịp lễ tết họ làm xôi vàng. Đây là thứ lễ vật không thể thiếu trong các lễ tết bởi họ quan niệm: Màu vàng là màu của mặt trời, tượng trưng cho sự trường tồn, sức sống mãnh liệt vì thế xôi vàng đem dâng cúng thần linh, tổ tiên tượng trưng cho sự vĩnh hằng còn thể hiện lòng thành kính của con cháu với thần linh. Đặc biệt, có những quả trứng được nhuộm màu xanh, đỏ để làm quà cho trẻ em. Mọi người cùng nhau liên hoan, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.
Theo truyền thống, trong các dịp tết của người Hà Nhì, trong các gia đình đều có 2 món là món dưa ủ chua “áp pạ a che” và món hạt đậu tương “nơ sì” hay lạc “lọ tê sơ”, 2 món đó có ý nghĩa riêng, món dưa chua “áp pạ a che” thể hiện lúc nào cũng có món ăn đầy đủ, sự dư giả, dự trữ còn món hạt thể hiện sự phát triển với số lượng nhiều, vì thế hai món này khá quan trọng trong dịp lễ tết và trong các nghi lễ dâng cúng thần của người Hà Nhì.
Với các nguyên liệu sẵn có từ các loại cây, củ, quả trong vườn nhà và trên rừng như thảo quả, lá móc mật, riềng, sả, hạt tiêu rừng, ớt..., người Hà Nhì đã khéo léo ướp thịt, chế biến thành các món ăn hấp dẫn với hương vị đặc trưng của núi rừng. Đặc biệt là những món xào, rang như: thịt rang ớt, xương gà rang ớt gừng, thịt trâu xào gừng ớt, dưa chuột xào lạc, mộc nhĩ xào gừng, thịt trâu xào nấm, cà đắng xào gừng. Ngoài ra, họ còn làm các món ăn dự trữ dài ngày như thịt sấy, dưa chua, dưa khô để ăn dần. Dịp tết thường kéo dài ngày và cũng là dịp quan trọng nên trong các bữa ăn, chủ nhà sẽ làm nhiều món để tiếp đãi khách. Cũng vì quan niệm của họ, ngày thường làm ăn vất vả, dịp tết là dịp để tận hưởng thành quả lao động của mình.
Về đồ uống, người Hà Nhì thường uống rượu “dứ bà”, nổi tiếng với món rượu ủ “dứ pe” hay còn gọi là bia Hà Nhì, loại rượu có hơi ga, khi uống có vị ngọt thanh, cay nồng, thơm dịu mùi nếp, làm cho người uống cảm giác say lâng lâng, êm dịu, không giống bất kỳ loại bia nào. Đây là thức uống truyền thống được người Hà Nhì sử dụng quanh năm, đàn ông uống, phụ nữ cũng uống trong các bữa cơm hàng ngày hay mỗi khi nhà có việc lớn, dịp tết, dâng cúng tổ tiên. Đến nay, không ai còn nhớ rượu Hà Nhì có từ bao giờ, chỉ biết cứ mỗi dịp lễ, tết, hội truyền thống của dân tộc là các gia đình người Hà Nhì nào cũng ủ ít nhất một hũ rượu thơm ngon để dâng cúng tổ tiên, thần linh và mời khách. Công thức để làm ra rượu Hà Nhì đặc sản thơm ngon, ngọt dịu này ngoài gạo nếp ngon, men lá truyền thống phải kể đến nguồn nước mạch trong mát chảy từ núi ra. Không cần chưng cất chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ và một chút kỹ thuật nhỏ ủ cơm nếp với men lá rừng. Khi làm men rượu người phụ nữ Hà Nhì thường hát:
Dứ bà đu dứ pà mả ngư ngô dứ bà mả dư
Dứ bà ma ngô ha đô dả dự mà đô già thà dự.
Dứ sì thò be ma sô be, chê ha sá be ma gủ be
Dì thò ả ma nủ sa ga, dỉ o à mà nừ đà ga
Mả đu gia ly thà dự, ha đu giả ly dự
Là già gì tê ư sư đô
Là như zhê se ư sừ sự
Tạm dịch:
Người nào uống thì người ấy say
Người nào không uống thì người ấy không say Uống mà không say thì không phải là rượu
Rượu nào uống mà chả say.
Ai uống nước lã mà không tức bụng
Người nào uống rượu say thì người đó cười Người nào không uống thì người đó không cười...
Người Hà Nhì cùng bạn bè và người thân thưởng thức món ăn địa phương và uống rượu Hà Nhì trong không gian ấm cúng của những nếp nhà trình tường nơi núi rừng Tây Bắc, họ còn cất lên những lời ca tiếng hát chúc mừng năm mới, những câu hát ngọt ngào, kể cho nhau nghe các câu chuyện, các hoạt động khác nhau của người Hà Nhì trong cuộc sống hiện tại.
Anh chị em cô dì chú bác
Bản là nơi hội tụ của chín địa phương Tết lớn trong năm
Cũng là tết chuyển từ năm cũ sang năm mới Đã trôi qua 12 tháng đón năm mới
Không năm nào tốt như năm nay
Đối với nam giới khi trôi qua 12 tháng
Đã trôi qua 12 tháng đón năm mới
Đối với nam giới cần phải làm ruộng để gieo mạ
Đối với phụ nữ cần phải làm nương rẫy trồng ngô
Mùa ngô sẽ cứu đói trong năm
Nghe lời kinh nghiệm của ông bà cha mẹ làm ăn
Đối với phụ nữ cần phải làm nương rẫy trồng ngô
Một năm mới anh em bạn bè
Cậu cháu người Hà Nhì không gì may mắn hơn năm nay
Một năm may mắn nhất trong đời
Mọi người cùng làm ăn phát triển
Mười hai tháng trôi qua không năm nào may mắn như năm nay Mọi thứ đều có đầy đủ
Không nói đến từ đó mà cũng không nhắc tới từ khác trong năm Ăn một bát vơi sẽ được may mắn thêm một bát đầy
Ăn một bát sẽ được phù hộ mười bát
Uống bát vơi sẽ được may mắn bát đầy..
Có thể nói, văn hóa ẩm thực ngày tết của người Hà Nhì ở Bát Xát vẫn giữ được bản sắc riêng của tộc người, từ nguyên liệu, cách chế biến cho tới cung cách ứng xử trong ăn uống tạo nên sự đặc trưng riêng không bị lẫn trong bức tranh văn hóa chung của các dân tộc. Qua đó, chúng ta thấy rằng người Hà Nhì tuy là một dân tộc sống ở vùng núi cao, sống độc lập nhưng trong đời sống văn hóa của họ lại vô cùng phong phú. Ngoài các yếu tố như thơ ca dân gian, các nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian, ẩm thực còn nổi bật lên là sợi chỉ xuyên suốt trong dòng chảy văn hóa của tộc người.
N.T.H
Từ khóa :
Quay lạiXem tin nổi bật
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...