Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
logo

Ngày Xuân tản mạn về những cây cầu

Trần Thị Minh

23:02 - 07/02/2024

Năm Quí Mão qua đi, năm Giáp Thìn đã về mang theo những chồi non lộc biếc và cũng mang theo không khí ấm áp của mùa xuân. Nhưng đối với người dân Lào Cai, mùa xuân đến không chỉ ở sắc trời hay từ chồi non, lộc biếc, mà mùa xuân đến ngay từ những con đường rộng mở, từ những cây cầu mới xây.

Đôi khi đi trên một cây cầu bắc qua sông, tôi thường có niềm lâng lâng tự hào xen lẫn yêu thương. Trên đất Mẹ Việt Nam máu lửa đau thương này, mỗi cây cầu đều từng là chứng nhân lịch sử cho những giai đoạn bi hùng của dân tộc, của một vùng đất, cho một khí phách Việt Nam. Còn đó, cây cầu Long Biên, một biểu tượng của Thủ đô anh hùng đã từng hứng chịu hàng chục lần máy bay Mỹ ném bom vùi dập. Còn đó, cây cầu Hàm Rồng lịch sử - tượng đài về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam - huyết mạch giao thông quan trọng mang chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường lớn miền Nam… Đất nước mình đã qua những cuộc chiến tranh, ta càng hiểu hơn ai hết cái giá của hòa bình đong đầy máu và nước mắt.

Dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa qua miền đất Lào Cai thân thương, cũng có những cây cầu ghi dấu lịch sử hào của vùng đất, nơi tôi sinh sống.

Mang theo nghĩ suy ấy, niềm xúc cảm trong tôi càng dâng trào khi mỗi ngày được chứng kiến quê hương mình từ hoang tàn đổ nát của hơn ba chục năm trước đã đi lên và ngày càng đổi mới. Trong sự đổi thay kỳ diệu ấy có sự đóng góp không nhỏ của những cây cầu bắc qua sông Hồng. Chúng là huyết mạch giao thông quan trọng như huyết mạch trong một thực thể. Nhà tôi ở thị xã Lào Cai trước năm 1979, bắc qua dòng sông Hồng ăm ắp nước chỉ có hai cây cầu là cầu Cốc Lếu và cầu Làng Giàng dưới mạn Cam Đường. Cầu Cốc Lếu giữa trung tâm thị xã nối liền hai bờ Lào Cai và Cốc Lếu nổi tiếng với câu ca dân dã nhưng muôn phần đắng cay của những phu phen từ đồng bằng phải lên miền “rừng thiêng nước độc” này hồi đầu thế kỷ XX để xây dựng cầu đường:

Ai đưa tôi đến chốn này,

Bên kia Cốc Lếu bên này Lào Cai

Và những tiếng kêu ai oán “Giời ơi” vẫn như đang rên xiết mãi trong lòng những ai hiểu về lịch sử Lào Cai và lịch sử cầu Cốc Lếu.

Trước 1979, tôi - một nữ sinh cấp ba, ngày ngày đi qua cầu Cốc Lếu chỉ biết đây là cây cầu duy nhất bắc qua sông Hồng ở thị xã mình. Ngày đó, nói đến cầu Cốc Lếu người ta hay gắn với chợ Cốc Lếu và điểm nhấn là các cuộc “kéo co” của người Mông và hát lí lối của người Dao vào những tối thứ bảy, khi mà người dân huyện xa, huyện gần tập trung về chợ để chuẩn bị phiên chợ ngày Chủ nhật. Khi màn đêm buông xuống, ánh điện đường vàng vọt được bật lên, thì những màn gieo tình mới bắt đầu và náo nức với những câu hát lúc cao vút, lúc thủ thỉ tâm tình. Vài đám quây quanh chàng trai HMông đang thổi khèn… Cứ vui vẻ như vậy đến nửa đêm theo đúng nghĩa chợ tình đậm đặc bản sắc văn hóa vùng cao.

Qua cầu Cốc Lếu, rẽ trái đi một đoạn phố là đến ga Lào Cai đồng thời cũng là nhà ga liên vận quốc tế. Đến năm 1977, ga Lào Cai chuyển hẳn xuống đề pô Phố Mới. Cầu Cốc Lếu oằn mình những quang gánh bươn trải mưu sinh và trĩu nặng niềm yêu thương, nhung nhớ. Có những buổi, suốt dọc cầu là cờ, hoa và những sắc áo lính. Ấy là những lần cả thị xã đưa tiễn tân binh lên đường tòng quân. Sân ga chật ních. Muôn người muôn vẻ biểu lộ cảm xúc nhưng lắng đọng chung nhất là thương nhớ và khát khao đoàn tụ. Là những ông bố cố ghìm nỗi xúc động; là những bà mẹ nghẹn ngào dặn dò con; là những thiếu nữ mắt đỏ hoe dúi vội vào tay người yêu chiếc khăn tay thêu hình đôi bồ câu ngậm chung bông hồng – đồ kỷ niệm phổ biến của thời đó cho những cặp chia xa. Đoàn tàu rùng rùng chuyển bánh trong bâng khuâng luyến nhớ. Rồi thấm mãi trên trang nhật ký của chàng lính trẻ kia về một đôi mắt biết nói và một lời hứa hẹn. Cầu Cốc Lếu trầm lặng tiễn biệt những đoàn con đất mẹ Lào Cai ra đi tiếp lửa cho chiến trường Miền Nam.

Tháng 2/1979, trong dòng người lũ lượt rời bỏ thị xã Lào Cai xuôi xuống phía Nam, cô nữ sinh lớp 10 năm ấy là tôi trong lúc hối hả sơ tán vẫn gạt nước mắt lưu luyến nhìn lại lần cuối cây cầu Cốc Lếu gắn bó suốt tuổi thơ; vẫn kịp ngắm lần cuối cây gạo cổ thụ bên cầu đang xao xác bởi âm thanh những làn đạn pháo từ xa mà lan man nghĩ chỉ tháng nữa thôi là đến mùa hoa gạo. Tôi chần chừ đứng lại vài giây trên đầu cầu, nhìn về hướng Đông, ống khói nhà máy điện vẫn vươn cao giữa bầu trời xám xịt lạnh buốt cùng hồi còi lịch sử rú lên lần cuối cùng của Nhà máy điện Lào Cai sau hai mươi năm hoạt động – Đó là nhà máy điện, hiện đại duy nhất trong sáu tỉnh biên giới phía Bắc thời đó.

Vậy mà phải đến hai năm sau, năm 1981, tôi mới tái hợp với thị xã dấu yêu theo chân một chiến sĩ biên phòng. Cây cầu thân thương đã bị phá sập hoàn toàn. Nhà máy điện chỉ còn trơ bộ khung như bộ xương khổng lồ xám đen giữa một buổi chiều mùa đông nhức buốt. Cả thị xã Lào Cai hoang tàn đổ nát, cỏ rậm lan đầy. Một nỗi buồn đau khủng khiếp ập đến. Tôi ôm mặt nức nở. Giã từ nhé, những kỷ niệm thân thương của tuổi mộng mơ, có những cô cậu học sinh vô tư ríu rít hàng đôi hàng ba qua cầu, với hoa gạo tháng Ba thắp lửa đỏ rực đôi bờ.

*

Trong dòng suy tưởng đó, tôi lại nghĩ về những cây cầu được xây dựng và xây dựng lại trên dòng sông Hồng mang bao hoài niệm của tôi. Năm 1991, tỉnh Lào Cai tái lập, thị xã Lào Cai được tái thiết từ hoang tàn đổ nát và cây cầu Cốc Lếu được xây dựng lại bề thế và vững chắc. Đó là cây cầu có số phận đặc biệt so với những cây cầu trên suốt dải sông Hồng. Khởi nguyên của nó được người Pháp xây dựng từ năm 1907, được khai sinh sớm chỉ sau cầu Long Biên (Hà Nội). Mặt cầu lát gỗ, chỉ dành cho xe tải nhẹ, xe thô sơ và người đi bộ. Rồi chính người Pháp đã phá sập nó trong chiến tranh Đông Dương. Cuối những năm 1950, nó được khai sinh lần hai lại bị “chết” lần hai vào năm 1979. Sau tái lập tỉnh Lào Cai, nó được xây dựng lại lần ba chắc chắn, đẹp đẽ. Nhưng khi nhu cầu đi lại của thành phố ngày một cao hơn, đến năm 2012, cây cầu được xây dựng lần thứ tư rộng rãi, phong quang với thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Ngày ngày qua cầu, tôi như vẫn thấy đâu đây tiếng cười giòn tan của những cô cậu học trò trong veo tuổi mười bảy. Vẫn như cảm nhận vị mặn chát của những dòng nước mắt căm phẫn, xót xa và luyến tiếc của cái ngày vạch cỏ về thăm chốn xưa…

Thành phố Lào Cai ngày càng mở rộng. Các khu phố mở ra sầm uất, nhu cầu đi lại hai bên bờ thị xã ngày càng khẩn thiết. Năm 2002, cầu Phố Mới ra đời.  Nó cách cầu Cốc Lếu khoảng 2,5 km về phía hạ lưu, kết nối hai phường Kim Tân và Lào Cai, giải quyết được bao nhiêu vấn đề về giao thông đi lại của nhân dân, nhất là khi ấy ga Lào Cai và bến xe Phố Mới lúc nào cũng đông đúc, giao thương tấp nập. Năm 2014, mọc lên sừng sững ở đầu cầu bên Kim Tân là khách sạn quốc tế năm sao Aritsto khiến cho thành phố thêm nét hiện đại. Hai cây cầu Cốc Lếu và Phố Mới đã làm thay đổi diện mạo của thành phố một thời trên bến dưới thuyền.

Cũng như quy luật tất yếu của sự phát triển, xã hội càng văn minh hiện đại, nhu cầu đi lại càng đòi hỏi cao hơn. Xuôi xuống vùng đất ven sông huyện Bảo Yên là một loạt xã nằm ven sông Hồng đã có cây cầu mới - cầu Bảo Hà khánh thành năm 2005, nối liền hai huyện Bảo Yên và Văn Bàn. Ngày cắt băng khánh thành, nhiều cụ già nước mắt rưng rưng trong niềm phấn khởi. Tôi lặng ngắm bến đò Tân An phía dưới chỉ còn chút dấu vết. Nó đã làm trọn sứ mệnh của mình trong hàng thế kỷ phục vụ nhân dân hai bờ sông nước.

Việt Nam mở rộng quan hệ giao thương với nước bạn Trung Quốc. Cầu Kim Thành, sau gần ba năm xây dựng, nối liền Khu thương mại – công nghiệp Kim Thành với Khu khai phát Bắc Sơn (thuộc huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), cách cửa khẩu Lào Cai khoảng 2,5 km về phía thượng lưu đã được đưa vào sử dụng từ năm 2009. Nó đã và đang phục vụ đắc lực nhu cầu phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Khẩu - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa hai vùng Tây Bắc (Việt Nam) và Tây Nam (Trung Quốc). Đôi khi lên chơi khu Kim Thành, giữa ồn ào của hàng trăm chiếc xe container chở hàng đang làm thủ tục qua cầu, tôi ngẩn ngơ kiếm tìm nơi nhà cũ của tôi trên khu đất này – đất Lục Cẩu xa xưa hơn nửa thế kỷ trước. Dù chỉ dăm năm ở đấy, nhưng với tôi đây là quãng tuổi hoa niên đẹp nhất của muôn vàn kỷ niệm với những bạn cùng lớp vỡ lòng, cấp một. Đâu những Vằn, Sính, Sáng, Khầu, Khình, Dùng Pá…các bạn giờ ở những phương trời nào? Lục Cẩu hoang sơ thuở ấy cùng bầy trẻ con hoang dã giờ đã là một khu kinh tế cửa khẩu. Có phải đó là sự đổi thay kỳ diệu?

*

… Tôi lại miên man nghĩ lại chặng đường trưởng thành của tôi gắn bó với đất Phố Lu và tình yêu đến. Anh bảo, bao giờ cầu Phố Lu hợp long thì anh đón em về làm dâu bố mẹ anh. Trùng hợp làm sao, đúng ngày cầu Phô Lu hợp long cũng là ngày chiếc xe quân sự của đơn vị anh kết hoa đưa tôi xuôi về một miền quê mới để tôi bắt đầu bước vào cuộc sống gia đình. Có lẽ vì thế mà mỗi khi đi trên cây cầu Phố Lu, tôi cứ có cảm giác ấm áp, gần gũi như một người bạn bên mình, phải chăng đó cũng là cái duyên?

Vậy mà đã thấm thoắt 40 năm. Cây cầu Phố Lu – “chàng trai” sinh năm 1984 giờ đã là quá tải và cũng là nhu cầu tất yếu khi Phố Lu mở rộng. Năm 2015, cầu Phố Lu mới được khánh thành. Cây cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép. Đứng trên cây cầu mới hiện đại nhìn về phía thượng nguồn, cầu Phố Lu cũ nhỏ nhoi khiêm tốn bên “cậu em” chín tuổi trẻ măng, sừng sững. Nhưng mấy mươi năm qua, nó đã gánh trên vai sứ mệnh khổng lồ là huyết mạch giao thông chính cho người dân các huyện và vẫn đang tiếp tục cho những dòng quặng Apatit quý báu ngày ngày theo tàu qua cây cầu này chảy về xuôi tạo dòng sản phẩm quý đi khắp mọi miền Tổ quốc.

 

*

Từ cầu Giang Đông được khánh thành năm 2015, kết nối trung tâm thành phố Lào Cai với các địa phương Vạn Hòa, Giang Đông, Làng Giàng, tôi xuôi về Làng Giàng bằng con đường nhựa Phố Mới – Văn Yên (Yên Bái). Kia rồi, cây cầu Làng Giàng lừng lững xuất hiện. Công nhân đang làm tiếp đường dẫn hai bên đầu cầu. Cầu Làng Giàng đã hoàn thiện với thiết kế vĩnh cửu bằng xi măng cốt thép và là cây cầu có nhịp thông thuyền dài nhất so với các cây cầu trên địa bàn tỉnh. Đứng trên cầu, tôi ngước về phía thượng lưu để áng chừng vị trí cây cầu thuở trước. Năm 1955, mỏ Apatit Cam Đường được khôi phục sản xuất. Một tuyến đường sắt kết nối từ khu vực mỏ đến ga Làng Giàng thuộc huyện Bảo Thắng trên tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai được mở ra (trong đó phải qua sông Hồng) để phục vụ cho việc chuyên chở quặng về xuôi. Cầu Làng Giàng ra đời vào cuối thập niên 1950 với mục đích đó và có sự hỗ trợ của chuyên gia Trung Quốc.

Cùng chung số phận cầu Cốc Lếu, cầu Làng Giàng cũng bị “phía bên kia” phá sập trong những ngày đầu của cuộc chiến biên giới. Vậy là suốt từ năm 1979 đến tận năm 1994, thời điểm chưa xây dựng lại cầu Cốc Lếu, trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ còn duy nhất một cây cầu qua sông Hồng đó là cầu đường sắt, đường bộ Phố Lu. Các bến đò, bến phà hoạt động hết công suất. Nhiều đêm, nghe tiếng gọi “Đò ơi” da diết gợi đến những câu chuyện tình giữa cô lái đò và lữ khách cùng những chuyện miền quê sông nước nửa hư nửa thực loang trên mặt sông sương khói mù mịt kia….

 Cây cầu Phú Thịnh là cây cầu thứ chín bắc qua sông Hồng, cầu vừa hợp long dịp cuối năm 2023 – Trên đường về lại thành phố, tôi dừng lại ở công trường cầu Phú Thịnh, rồi vừa nhẩm tính vừa say sưa ngắm ba chiếc cần cẩu to đang cần mẫn làm việc. Trên công trường không khí làm việc khẩn trương. Một cậu công nhân chỉ tay lên cầu, nói với tôi “Cây cầu này có thiết kế đẹp lắm chị ạ. Kia kìa, những khung sắt kia khi dựng lên sẽ thành hình năm đỉnh núi, tượng trưng cho dãy núi Ngũ Chỉ Sơn. Đỉnh cao nhất chính là đỉnh Fansipan. Trên cầu sẽ có sáu điểm dừng ngắm cảnh, kết hợp cây xanh. Ai cũng tin tưởng đây sẽ là cây cầu đẹp nhất Lào Cai và sẽ thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh”.

Vậy đó, giờ đây tính thẩm mỹ được chú trọng song hành với công năng khi thiết kế cầu, lại mang nét đặc trưng Lào Cai – điều đó chẳng phải là tuyệt vời lắm sao.

Theo cánh tay anh công nhân chỉ, tôi ngắm cầu Phú Thịnh đang trong thời gian hoàn thiện các hạng mục sau khi hợp long. Đó là một công trình vĩnh cửu với điểm nhấn mang tính biểu tượng đặc trưng địa hình văn hóa bản địa, đặc biệt ứng dụng công nghệ năng lượng xanh trong vận hành tiết kiệm được chi phí. Xem bản phối cảnh thiết kế cây cầu, tôi mường tượng đến cảnh thần tiên khi màn đêm buông xuống, cây cầu phát sáng với hình ảnh mây vờn núi sẽ tuyệt diệu biết bao. Cây cầu không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội mà còn được kỳ vọng sẽ là biểu tượng cho thành phố Lào Cai năng động, phát triển. 

Tôi cứ mải mê đi, say sưa ngắm và miên man suy tưởng. Yêu biết bao những cây cầu bắc qua sông Hồng chảy suốt một dọc biên giới và nằm trọn vẹn trong lòng đất Việt yêu thương mà đại diện nơi đầu nguồn ấy là Lào Cai dấu yêu của tôi. Những cây cầu ở Lào Cai rất non trẻ, như một thế hệ trẻ căng tràn sức sống, ngày một vươn lên đón ngọn gió hội nhập và phát triển với nhiều khát vọng tương lai.

Bất ngờ, trước mắt tôi, ngay gần đầu cầu Phú Thịnh, cây đào nhà ai đã bung sắc sớm. Xuân đang về trên quê hương tôi…

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Cùng chuyên mục

vài giây trước

Văn nghệ Lào Cai
/
Trang thông tin điện tử
Giấy phép: 28/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 15/01/2024
Chịu trách nhiệm Website:
Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Hội VHNT Lào Cai
Địa chỉ:
581, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai
090 435 1468
vannghelaocai@gmail.com
tapchiphansipanglc@gmail.com
Hòm thư góp ý
Bản quyền thuộc về website Văn nghệ Lào Cai. Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trang này